Nghiêm cấm ngân hàng ban hành thêm điều kiện, thủ tục để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ký ban hành chỉ thị số 03 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo nghị định 31 và thông tư 03.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua gần 3 tháng thực hiện, một số ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai chính sách và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng thương mại chưa tập trung và quyết liệt triển khai, chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, chưa tổ chức truyền thông và hướng dẫn đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Để triển khai có hiệu quả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành xác định đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện khẩn trương để hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng thương mại, từ Hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng Thương mại; quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành có liên quan, các Ngân hàng Thương mại để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. 

ngan-hang-1660962143.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm ngân hàng "đẻ" thêm thủ tục để hạn chế cho vay hỗ trợ lãi suất 2%. (Ảnh minh họa. Internet)

Triển khai cho vay, giải ngân kịp thời, hiệu quả nguồn kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định. 

Đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, quy định về hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31 và Thông tư 03 và các quy định pháp luật có liên quan. Không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.

Thống đốc yêu cầu các đơn vị tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương tích cực triển khai, phối hợp kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng;

Theo dõi chặt chẽ kết quả hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng; báo cáo thường xuyên Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành về tiến độ, kết quả giải ngân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất. Xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng theo quy định...

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố cần theo dõi, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định.

Phối hợp để tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất; đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.

Thực hiện kiểm tra, giám sát việc cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo quy định; xử lý kịp thời các trường hợp thực hiện không nghiêm, không đúng quy định, trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, thành phố, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc các ngân hàng nghiêm túc triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó công tác tín dụng cần gắn với triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.

Khẩn trương ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đào tạo các đơn vị, bộ phận, cán bộ có nhiệm vụ thực hiện chính sách để thống nhất triển khai có hiệu quả trong toàn hệ thống.

Chủ động tiếp cận khách hàng, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, giúp khách hàng hiểu đúng về chính sách để hạn chế tối đa các kiến nghị, khiếu nại của khách hàng.

Giải ngân kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo theo quy định; đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách.

Cân đối nguồn vốn để cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Đảm bảo hài hòa giữa việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% và cho vay đối với các đối tượng khác, phù hợp với chiến lược kinh doanh và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất. Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất để khách hàng nắm bắt được thông tin và sớm được tiếp cận chính sách.

Mai An