Bảng xếp hạng 27 ngân hàng Việt Nam theo mô hình Camel cuối quý II/2022

Công ty TNHH Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta Việt Nam) vừa công bố báo cáo xếp hạng quý II/2022 theo mô hình Camel đối với các ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, trong số 27 ngân hàng Việt Nam được xếp hạng theo mô hình Camel cuối quý II/2022 đã có nhiều thay đổi. TOP 10 có thêm 3 gương mặt mới, đồng thời thứ hạng cũng có sự xáo trộn đáng kể. ACB, Vietcombank và MB tiếp tục lọt TOP 3 nhưng vị trí TOP 1 không còn là của Vietcombank.

Ngân hàng ACB, Vietcombank và MB tiếp tục lọt Top 3 trên bảng xếp hạng CAMEL của Yuanta trong quý II/2022. 

ngan-nga-1-1660707585.png
Bảng xếp hạng 27 ngân hàng Việt Nam theo mô hình Camel cuối quý II/2022 (Nguồn: Yuanta Việt Nam)

Chất lượng tài sản của ba ngân hàng này vẫn duy trì tốt, với tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao. Đáng chú ý, Vietcombank đã tăng tỷ lệ LLR lên mức cao kỷ lục, đạt 506% trong trong quý 2/2022, và đây cũng là mức cao nhất ngành. Lợi nhuận của những ngân hàng này cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đứng đầu là MB (tăng 78% so với cùng kỳ), theo sau đó là ACB (tăng 52%) và Vietcombank (tăng50%).

Các ngân hàng tiếp theo lọt TOP 10 là Techcombank, MSB, TPBank, HDBank, SeABank, Sacombank, VPBank.

So với thời điểm cuối năm 2021, thứ hạng có khá nhiều thay đổi. Trước đó, cuối quý 4/2021, Vietcombank là ngân hàng đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng theo mô hình Camel do Yuanta phân tích. TOP 10 cuối năm 2021 lần lượt là Vietcombank, MB, ACB, Techcombank, MSB, TPBank, Sacombank, BIDV, VietinBank, OCB.

Như vậy, sau 6 tháng, BIDV và VietinBank, OCB đã tuột khỏi TOP 10, thay vào đó là HDBank, SeABank và VPBank.

Theo Yuanta, tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của 27 ngân hàng đạt 51.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ nhưng giảm 7% so với quý I/2022. 

Lợi nhuận giảm so với quý trước trước chủ yếu do khoản thu nhập ngoài lãi bất thường ghi nhận trong Quý I/2022 chứ không phải do sụt giảm trong hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, lợi nhuận lại tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do cải thiện hoạt động kinh doanh: thu nhập ngoài lãi và thu nhập phí tăng, trong khi chi phí tín dụng giảm.

Dư nợ cho vay là yếu tố quan trọng đối với thu nhập lãi ròng và lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước dự phòng trong thời gian tới, do tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) có thể sẽ bị thu hẹp khi chi phí huy động vốn tăng.

Hầu hết các ngân hàng đều đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu và đang chờ đợi Ngân hàng Nhà Nước cho phép nâng hạn mức tín dụng. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà Nước sẽ tạo điều kiện tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại vào cuối Quý III/2022. Yuanta cho rằng, các ngân hàng như MB và Vietcombank có chất lượng tài sản tốt và đang tham gia vào hoạt động tái cấu trúc ngân hàng yếu kém, có thể sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.

NIM của các ngân hàng có thể sẽ giảm trong thời gian sắp tới trong bối cảnh chi phí huy động vốn đang gia tăng và tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sẽ bị giảm. Thanh khoản có dấu hiệu thu hẹp, và lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong tháng vừa qua.

Theo phân tích của Yuanta, Ngân hàng nhà nước đang nỗ lực để củng cố giá trị của đồng VND trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng mạnh so với đầu năm. Những sự kiện này làm tăng chi phí huy động vốn của các ngân hàng, do đó xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm. Trong khi đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ người đi vay theo chủ trương của NHNN để thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, lsuất cho vay có thể vẫn duy trì tương tự như mức ở hiện tại, hoặc có thể chỉ tăng nhẹ. Do đó, NIM của toàn ngành trong năm 2022 có thể sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tác động với từng ngân hàng sẽ khác nhau. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (cho vay / huy động vốn) thấp như HDBank, MSB, VIB và VPBank sẽ ít bị áp lực hơn trong việc gia tăng chi phí huy động vốn so với các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao.

Ngoài ra, những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như Techcombank, MB, Vietcombank có khả năng hạn chế tốt những tác động tiêu cực đối với NIM khi chi phí huy động vốn tăng.

Việc giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn cũng sẽ tác động lên tỷ lệ NIM của các ngân hàng. Ngân hàng nhà nước dự kiến sẽ giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn từ 37% xuống còn 34% vào tháng 10/2022. Do đó, các ngân hàng đang có tỷ lệ này ở mức cao sẽ phải giảm bớt, hoặc có thể các ngân hàng đó không còn nhiều dư địa để tăng tỷ lệ này lên và cải thiện NIM. Mặt khác, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thấp (như ACB, HDBank, MSB và VPBank) vẫn còn dư địa có thể cho vay và từ đó tăng NIM.

Phân tích theo mô hình Camel là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng. Mô hình Camel là viết tắt chữ cái đầu tiếng anh của 5 chỉ tiêu: [C]apital Adequacy (Mức độ an toàn vốn), [A]sset Quality (Chất lượng tài sản), [M]anagement (Quản trị), [E]arnings (Thu nhập), [L]iquidity (tính thanh khoản).
 
Mai An