Phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng
Với mong muốn giúp cho mình hoặc ai đó nhận ra cái đúng, cái sai, cái tốt, cái xấu, chúng ta thường tìm cách góp ý, phê bình. Để phê bình đạt hiệu quả cao, làm cho người được phê bình tâm phục, khẩu phục thì nhất định những lời ấy phải xuất phát từ động cơ trong sáng, mong muốn cho người kia tiến bộ. Người phê bình cần bày tỏ ý kiến một cách khách quan, trung thực, thẳng thắn, chân thành. Chính thái độ chân thành, phân tích có lý, có tình sẽ làm cho người nghe nhìn ra khuyết điểm, dễ nhận ra cái sai của mình để sửa chữa, khắc phục. Ngược lại, nếu lợi dụng việc phê bình để tranh thủ công kích, nói xấu, hạ uy tín của của người khác sẽ vừa khiến các mối quan hệ trở nên căng thẳng, vừa bộc lộ bản chất ganh ghét, ích kỷ của người phê bình.
Cuộc họp kiểm điểm cuối năm của 5 năm trước đã khiến cho anh Thao không sao quên được. Chỉ vì ấm ức việc anh được bổ nhiệm chức vị cao hơn trước đó, vài đồng nghiệp đã cố tình “mượn gió bẻ măng”, mượn cuộc họp chi bộ cuối năm để nói ra những hậm hực, ghen tị bấy lâu khi họ cùng vai với anh mà bị “mất lượt” khi bổ nhiệm. Những tổn thương trong lòng không sao tránh khỏi, anh Thao đành khoả lấp bẳng niềm an ủi khi nhận được lời khích lệ của những đồng nghiệp thực sự chân thành. Chính họ đã nhiều lần ý tứ, tế nhị góp ý để anh sửa chữa, từ đó dần hoàn thiện bản thân và có được ngày hôm nay.
Chọn thời điểm và thời gian, không gian thích hợp
Việc chọn thời điểm và không gian thích hợp để phê bình sẽ mang lại những hiệu quả tích cực và ngược lại. Anh Tuân – Một lãnh đạo đơn vị từng chia sẻ: Vì quá bức xúc trước việc cấp dưới không chuẩn bị kỹ hồ sơ đón đoàn kiểm tra như đã thông báo, anh không kìm nén nổi nên trong lúc nóng giận đã nói những lời mạt sát trước tất cả cấp trên và cấp dưới cùng dự họp của anh ta. Về lý, việc phê bình của anh Tuân là hoàn toàn đúng, nhưng về tình, cách làm của anh chưa nhận được sự ủng hộ của mọi người. Vì bị “vạch tội”, bắt tận tay, day tận trán trước đám đông, anh Quang – cấp dưới của anh thấy vô cùng xấu hổ và bẽ mặt. Anh Quang cảm thấy thái độ cầu thị, nhận thiếu sót của mình khi làm việc nội bộ trước đó trở nên quá dư thừa. Không một sự thông cảm bao dung, không có ý chỉ ra cái sai cho mình tiến bộ, chỉ làm anh cảm thấy không còn mặt mũi nào nhìn cấp trên và mất đi cái uy với cấp dưới.
Cùng là vai trò lãnh đạo, sau khi biết cấp dưới của mình có những dư luận không hay về thực hiện nhiệm vụ được giao, chị Tâm đã gặp riêng từng cấp dưới của mình về phòng cùng tìm hiểu, nắm rõ thông tin vụ việc. Chị phân tích cho nhân viên những phải, trái, đúng sai, hoá giải những uẩn ức, hiểu lầm trong lòng họ và giúp mỗi người tự nhận ra lỗi lầm. Hoá ra bấy lâu nay, việc nhân dân và các đồng nghiệp phản ánh là sự thật, chị hiểu: Không thể bỏ phí những nhân tài cho đất nước, nhưng cũng không thể bao che cho cái xấu nên chị tìm cách thu phục nhân tâm.
Trong một cuộc hội thảo nọ, vì biết đại biểu A đến nhầm tổ được phân công mà anh B đã đến ghét sát tai và nói nhỏ: “Hình như em không phải ở tổ này!” Hai anh em xem lại danh sách chia tổ, phá lên cười rồi lặng lẽ tìm về đúng chỗ. Cũng ở đó, anh A bắt gặp một gương mặt tẽn tò vì vừa xách cặp đến chỗ mọi người ngồi đông đủ bỗng có tiếng người chủ toạ nói rất to: Anh C bị ngồi vào nhầm chỗ, không phải ở tổ này! Xấu hổ vì sự bất cẩn quả mình anh đành đứng dậy rút lui trong những tiếng cười ồ.
Phê bình rất cần sự khéo léo
Để người được phê bình dễ tiếp thu những điều được góp ý, người phê bình chọn thái độ mềm dẻo là một việc rất nên làm. Việc phê bình cần được thực hiện theo trình tự, mình trước, người sau, ưu điểm trước, khuyết điểm sau. Việc làm này xuất phát từ phương châm hành xử của văn hóa Đông Á “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Như vậy, mới tốt cho bản thân mình và mới có sức thuyết phục được người khác. Việc khen trước, chê sau cũng được coi là một giải pháp thuộc về nghệ thuật phê bình được rút ra từ tâm lý của người Việt chúng ta. Việc phê bình phải tránh không bao che khuyết điểm, dung túng cho cái xấu. Tuy nhiên, cũng cần chọn cách nói sao cho nhẹ nhàng, hóm hỉnh, khen mà chê để người nghe dễ chấp nhận một cách vui vẻ. Tránh việc chỉ trích, mắng nhiếc, mạt sát cá nhân gây cho họ những tổn thương.
Cách góp ý, phê bình tế nhị đã khiến cho mỗi người nhớ tới câu chuyện về một nét ứng xử rất đẹp của Bác Hồ với Tướng Nguyễn Sơn - một vị lưỡng quốc tướng quân hào hoa mà bình dị. Ông là một người tướng giỏi, có cá tính mạnh, ngang tàng nhưng rất giàu lòng yêu nước. Khi được Bác ký sắc lệnh phong hàm Thiếu Tướng, Nguyễn Sơn tỏ ý tự ái không muốn nhận vì cho rằng mình đáng được phong hàm cao hơn. Vì vậy mà ông có ý chần chừ, kéo dài thời gian chưa chịu nhận và tổ chức lễ thụ phong. Biết được việc này, Bác Hồ điềm tĩnh, lặng lẽ lấy một tấm thiệp nhỏ thường dùng viết ngay ngắn trên thiệp: "Tặng Sơn đệ". Bằng cách khéo léo vận dụng ngôn ngữ vào bài thơ gửi tặng, người nhận thiệp sẽ hiểu ngay rằng cái tâm của mình cần tinh tế, chín chắn, khéo léo, tế nhị hơn nữa. Rồi Bác trao tấm thiệp cho bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lặn lội từ Việt Bắc vào Liên khu IV để trao tấm thiệp và chủ trì lễ thụ phong quân hàm cho Nguyễn Sơn.
Ứng xử của Bác Hồ với Tướng Nguyễn Sơn là lấy đại cuộc làm trọng, dùng tình để cảm hóa, thể hiện sự bao dung bởi Bác hiểu rõ cá tính, tính cách, tâm can Nguyễn Sơn. Cách ứng xử này được thực hiện một cách tinh tế, lấy tư cách người anh nói chuyện với người em, gửi cho người em những lời lẽ chân tình, đã là anh em thì nhẹ nhàng khuyên nhủ, bảo nhau cùng hướng về cái tốt đẹp, đạo lý ở đời. Nguyễn Sơn là người có cá tính mạnh nên Bác dùng nhu "lạt mềm dễ buộc". Biết Nguyễn Sơn vốn là người trọng văn hóa, yêu thích văn chương nên tấm thiệp "Tặng Sơn đệ", Bác lấy chữ từ thơ của một danh nhân để khen Nguyễn Sơn, khẳng định tài - đức của Nguyễn Sơn nhưng cũng ngầm ý nhắc nhủ đã tốt rồi cần tốt hơn nữa, nhất là cần tinh tế, chín chắn hơn, cần phải tự mình sửa mình để hoàn thiện mình.
Việc Bác cử đặc phái viên của Chính phủ vào chủ trì lễ thụ phong đã khiến Nguyễn Sơn thấy được trân trọng và ưu ái, "buộc" ông không thể không chấp nhận. Phép nước không bị tổn hại. Sắc lệnh được thi hành. Cách ứng xử tinh tế của Bác đã khiến Nguyễn Sơn ngộ ra tất cả, hoàn toàn tâm phục khẩu phục. Tướng quân Nguyễn Sơn đã lấy 12 chữ Bác Hồ tặng, hoàn thiện cuộc đời binh nghiệp của mình, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và Trung Quốc, để trở thành một Lưỡng quốc tướng quân huyền thoại của dân tộc.
Cũng nhờ cách phê bình hóm hỉnh, chị An không bao giờ tái phạm việc đi xe máy “đầu trần” vì có lần đang đi trên đường qua UBND xã chị được một anh công an gọi điện hỏi khéo: “Chị có mũ bảo hiểm không lát ghé vào em cho mượn một cái nhé!”. Chị nghe xong mỉm cười và chợt thấy xấu hổ vì mình ỷ thế là cán bộ mà đã không tự giác chấp hành.
Lời kết
Vẫn biết rằng: “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Tuy vậy, chọn cách nào để nói ra được sự thật mà không bị mất lòng vẫn là cách mà nhiều người hướng tới. Người chỉ biết khen ta có thể chỉ là một kẻ cơ hội, người dám nói ra những khuyết điểm, sai lầm giúp ta sửa chữa, thường là người bạn chân thành. Ranh giới giữa bạn thân và “kẻ thù” chỉ cách nhau bằng một lời góp ý, nếu không chọn cách nói thích hợp thì những tình cảm chân thành rất dễ trở thành xa lánh, hiểu lầm.
Bên cạnh đó, việc phê bình cũng cần phải có căn cứ, tránh kiểu “nhắm mắt nói bừa”, hoặc nhìn nhận một cách phiến diện, phủ định sạch trơn hay suy đoán rồi vội vàng kết luận. Người được phê bình cũng cần có thái độ cầu thị, tiếp thu những ý kiến góp ý chân thành để giúp cho mình tự hoàn thiện bản thân.
Thời điểm cuối năm đến rất gần với biết bao cuộc họp tổng kết, kiểm điểm cuối năm đang chờ đợi. Đây là dịp tốt cho chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá lại bản thân và góp ý cho nhau cùng tiến bộ. Mong rằng mỗi công sở, cơ quan, doanh nghiệp và mối quan hệ của mỗi người được củng cố và phát triển vì nắm trong tay những nghệ thuật phê bình.