Nghệ An: Nông dân lắp đèn sưởi chống rét cho vật nuôi

Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An bắt đầu vào những đợt rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp, gây hại cho sức khỏe của đàn vật nuôi. Để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, các địa phương đã có nhiều cách làm: Đốt lửa sưởi ấm, mặc áo bạt, lắp đèn sưởi và che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm…
15-1645353586.jpg
Nhận được thông tin về thời tiết, bà con nông dân Nghệ An đã có nhiều biện pháp để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Mỹ Hà

Khi có thông tin về thời tiết cực đoan rét đậm, rét hại thì gia đình anh Võ Văn Khả (Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ) nhanh chóng chuẩn bị vật chất để chống rét cho trâu. Anh Võ Khả cho biết: “Đặc điểm sinh học thì trâu chống rét kém hơn bò, do đó, phải tăng cường các biện pháp chống rét. Chuồng trại cơ bản kiên cố, đã lắp sẵn lớp bạt che gió nên khi nhiệt độ xuống thấp thì chỉ cần kéo rèm bạt xuống; hệ thống bóng điện sưởi được bật cả 2 dãy. Ngoài thức ăn chính là cỏ, cám ngô thì những ngày này, chúng tôi bổ sung thêm rỉ mật mía, thức ăn ủ chua, vitamin, khoáng chất cùng với đó cho uống nước ấm. Do đó, trải qua các đợt rét nhưng đàn trâu 12 con của gia đình vẫn khoẻ mạnh, không bị sụt cân”.

Những ngày nhiệt độ giảm sâu như hiện nay (xuống còn 7 độ C) người dân xã Tri Lễ huyện Quế Phong, Nghệ An đã chủ động các biện pháp chống rét cho gia súc: Lùa bò về chuồng, dùng bạt, chăn, áo quần cũ may trang phục chống rét cho bò; đốt củi sưởi ấm và che chắn chuồng trại cho gia súc, gia cầm và dự trữ thức ăn, cho vật nuôi ăn đủ no, uống nước ấm.

13-1645353586.jpg
Người dân che chắn chuồng trại, đảm bảo kín gió cho trâu bò những ngày nhiệt độ xuống thấp tại Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Những năm gần đây, với việc quy hoạch vùng chăn thả trên diện tích đồi núi nên trâu bò của hộ nào thì thả trong phạm vi đã giao của hộ đó nên việc quản lý gia súc dễ hơn, khi rét đậm, rét hại, người dân dễ dàng lùa trâu, bò về chuồng để chăm sóc. Ngoài ra, đồng bào Mông ở Tri Lễ đã quen với việc trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu bò (tổng diện tích gần 30ha); mô hình nuôi nhốt trâu bò ngày càng được nhân rộng… Do đó, hạn chế được những thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra so với tập quán chăn thả rông trước đây.

Nhằm phòng chống đói rét cho gia súc, gia cầm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, ngành nông nghiệp, hội Nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ vật nuôi khỏi đói rét; vận động người dân may áo bằng bạt, chăn, áo quần cũ để mặc cho trâu bò.

12-1645353586.jpg
Ngoài việc may áo, che chắn bằng bạt và nilong thì bà con nông dân còn thắp đèn để sưởi ấm cho gia súc. Ảnh: Mỹ Hà

Trên địa bàn huyện Nam Đàn, hiện có 49 trang trại chăn nuôi, chủ yếu tập trung ở các xã: Nam Thanh, Kim Liên, Nam Anh, Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Kim. Trong đó, chủ yếu là nuôi gà, dê, lợn. Hầu hết, các trang trại này có hệ thống chuồng trại khép kín, đầu tư hệ thống sưởi ấm và đệm lót sinh học nên việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm không có gì trở ngại.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thiệp, chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Nam Đàn cho biết: “Ngay khi có thông tin về thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại, huyện đã có công văn gửi các xã, thị về việc triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Hiện, qua kiểm tra, chính quyền các địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền đến tận các hộ dân; các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp đề ra”.

11-1645353586.jpg
Thay vì thả rông như những ngày trời nắng ấm thì bà con đã nhanh chóng lùa bò về chuồng trại để giữ ấm cho trâu bò. Ảnh: Mỹ Hà

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, hiện nay, toàn tỉnh tổng đàn trâu, bò ước đạt 778.000 con; đàn lợn 1.000.000 con; gia cầm 30.000.000 con. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi như trâu, bò, hươu, dê nhất là ở các vùng miền núi cao: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu…, ngành chuyên môn đã chủ động ban hành các công điện về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống đói rét cho, dịch bệnh cho vật nuôi.

Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp đã tích cực triển khai và nhân rộng phong trào “may áo chống rét” cho trâu bò; tặng áo chống rét cho gia súc đối với các hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn; thành lập các tổ nông vụ hỗ trợ chăm sóc gia súc, gia cầm trong thời gian hội viên F0, F1 đang cách ly, điều trị. Điển hình như các địa phương: Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn…

16-1645353927.jpg
Chủ động ứng phó với đợt rét kéo dài, bà con nông dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn để sẵn. Ảnh: Mỹ Hà

Để ứng phó và giảm thiệt hại cho đàn gia súc, gia cầm do rét đậm rét hại gây ra, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Đối với chuồng trại

Có hệ thống bạt, rèm che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa, bảo đảm chuồng trại kín, ấm, khô. Đặc biệt, cần giữ nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Đối với nền chuồng gà, trâu bò cần rải thêm lớp trấu, rơm khô để giữ ấm chân và tăng nhiệt độ trong chuồng. Có thể chăn nuôi gà trên nền đệm lót vi sinh để nâng cao nhiệt độ chuồng nuôi giúp sưởi ấm cơ thể vật nuôi.

  1. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng:

Đối với gia cầm: Thực hiện tốt quy trình úm cho gia cầm nhỏ, lưu ý đối với các giống gà mọc lông chậm hoặc ít lông (gà chọi, gà Mía, Đông Tảo,…) khả năng chịu lạnh kém cần có biện pháp chống rét thích hợp (che chắn chuồng tránh gió lùa trực tiếp, tăng nguồn nhiệt bằng cách bổ sung thêm bóng điện, bóng hồng ngoại; Không thả gia cầm ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại,…).

Đối với lợn: Nên có chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C.

Cung cấp khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn, giai đoạn nuôi.

Đối với trâu, bò: Cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho trâu bò, với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể. Ví dụ bò nặng 300 kg, cần cho bò ăn 30 kg cỏ xanh một ngày. Đồng thời bổ sung thêm 0,5 – 1kg thức ăn tinh/con/ngày (bột ngô, bột sắn, cám gạo,.. ) để trâu bò có đủ năng lượng chống rét.

Đối với những ngày rét đậm cần cho trâu bò uống nước ấm, bổ sung thêm muối ăn với lượng 15gram/10 lít nước nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng cơ thể.

Chủ động dự trữ thức ăn cho trâu bò bằng hình thức ủ chua thức ăn xanh như ủ chua cỏ voi, dây lang, bã dứa, thân cây ngô,… dự trữ cỏ khô, rơm khô; trồng các loại cỏ bổ sung đảm bảo nguồn thức ăn ổn định. Cho trâu, bò ăn thức ăn ủ chua với lượng 7 – 10 kg/ngày; kết hợp rơm khô, cỏ khô nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa và đảm bảo sức khỏe cho đàn trâu bò trong mùa rét.

Đặc biệt chú ý, những ngày rét đậm rét hại tăng từ 5 – 10% khẩu phần ăn so với ngày thường để vật nuôi có đủ năng lượng chống rét. Đồng thời cho vật nuôi uống nước ấm có bổ sung thêm vitamin, điện giải, đường glucose, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.

Cần lưu ý khi thực hiện phòng chống rét cho trâu bò không đúng cách như: Mặc các loại áo cho trâu bò nhưng lại để trâu bò dầm mưa ngoài bãi chăn lại càng làm cho trâu bò ốm, chết; Dùng các loại chất đốt sưởi cho trâu, bò ngay trong chuồng kín suốt đêm không theo dõi, dẫn đến trâu bò chết do ngạt khói.

Mỹ Hà