Hà Tĩnh: Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, buộc tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu

Sau khi Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh có bài phản ánh: “Hà Tĩnh: Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, xã không biết?” ngày 19/01/2022 UBND xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh đã lập đoàn đi kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông Lê Ngọc Hùng tháo dỡ công trình sai phạm trả về hiện trạng ban đầu trước ngày 20/02/2022.

 

Yêu cầu tháo dỡ công trình sai phạm trước ngày 20/02/2022

7-1645180622.jpg
Văn bản của UBND xã Thạch Hưng yêu cầu ông Lê Ngọc Hùng tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp.

Vào ngày 18/01/2022, Tạp chí Doanh nghiệp và kinh tế xanh có bài viết: Phản ánh sự việc một công trình lớn hàng nghìn m2 bao gồm: sân đỗ xe, hồ nước, vườn cây ăn quả, làm cầu… được xây dựng trên đất nông nghiệp giữa thanh thiên bạch nhật. Thế nhưng, lãnh đạo UBND xã Thạch Hưng (Tp Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) và các phòng ban của UBND Tp Hà Tĩnh không hề hay biết. Ngày 19/01/2022 UBND xã Thạch Hưng, thành phố Hà Tĩnh đã lập đoàn đi kiểm tra. Phía UBND xã gồm có ông Phan Tiến Dũng - Phó chủ tịch UBND xã; bà Phan Thị Như Ngọc - cán bộ địa chính xây dựng của xã, đại diện thôn Bình có ông:Lê Văn Ngụ - thôn trưởng; đại diện phía liên quan có ông: Lê Ngọc Hùng.

Tại buổi kiểm tra UBND xã Thạch Hưng đã lập biên bản yêu cầu ông Lê Ngọc Hùng tháo dỡ toàn bộ công trình trả lại hiện trạng ban đầu.

6-1645180277.jpg
Công trình xây dựng trái phép tren đất nông nghiệp tại xã Thạch Hưng

Một công viên thu nhỏ rộng hàng m2 trên đất nông nghiệp không phép nhưng sự đã rồi mới lập biên bản xử lý.

Trong biên bản lập ngày 19/01/2022 ghi rõ: “ Ông Lê Ngọc Hùng đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất trồng lúa nước còn lại sang múc đích khác khi chưa có sự cho phép của các cấp có thẩm quyền (đào hồ nuôi cá, lát gạch block, xây dựng hàng rào lưới B40, trồng cây, hoa...), tự ý thay đổi hiện trạng đất với 10 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 22 đã được sở TN&MT Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 11-12/2021.

5-1645180278.jpg
Quanh công trình được rào bằng cọc bê tông và lưới B40

Việc sử dụng đất sai mục đích của ông Lê Ngọc Hùng là trái với quy định của luật đất đai và các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai. Yêu cầu ông Hùng tiến hành tháo dỡ các công trình vi phạm, hoàn trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu”.

3-1645181822.jpg
Công trình được xây dựng trên đất trồng lúa.

Trao đổi với phóng viên, một vị cán bộ của UBND xã Thạch Hưng nói: “ Vừa rồi đoàn có đi kiểm tra và lập biên bản yêu cầu ông Hùng tháo dỡ toàn bộ công trình trước ngày 20/02/2022. Nếu đến ngày 20/2/2022, gia đình không tự tháo dỡ thì UBND thành phố, UBND xã Thạch Hưng sẽ tiến hành cưỡng chế, mọi chi phí gia đình phải chịu hoàn toàn”.

Mức xử phạt hành chính có thể lên tới hàng trăm triệu đồng

Việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

3. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

4. Chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng hai (02) lần mức phạt quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

Như vậy tùy vào diện tích đất vi phạm là bao nhiêu thì sẽ có các mức phạt khác nhau tương ứng.

1-1645180277.jpg
Gia đình ông Hùng tự ý đào ao, chuyển đổi mục đích sử dụng trên đất trồng lúa.

Với một công trình xây dựng trái phép giữa thanh thiên bạch nhật trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, cách trung tâm hành chính xã không xa, nhưng chính quyền sở tại và các phòng ban của UBND Thành phố Hà Tĩnh không hề hay biết?. Để đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc kiểm tra và lập biên bản xử lý thì trách nhiệm quản lý của các cấp sẽ được xử lý ra sao?

Dư luận đặt ra câu hỏi: Có hay không việc UBND xã Thạch Hưng làm ngơ cho sai phạm tại địa phương?

UBND xã Thạch Hưng đã để ra sai phạm trong việc quản lý đất nông nghiệp thì sẽ bị xử lý như thế nào về trách nhiệm?

Vai trò, trách nhiệm của các phòng, ban như: Phòng kinh tế hạ tầng, phòng quản lý đô thị, phòng TN&MT của UBND thành phố Hà Tĩnh trong sự việc này như thế nào?

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mỹ hà - Nguyễn Duyên