Món sâu "đặc sản" giúp cải thiện thu nhập cho người dân vùng cao

Từ tháng 10 - 12 Dương lịch hàng năm, là khoảng thời gian người dân các huyện miền núi Nghệ An vào rừng tìm sâu "đặc sản" kiếm thêm thu nhập từ “mẹ thiên nhiên”. Những con sâu béo ú, có mùi vị thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng đang trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng.
sau-5-20231123151446-1700794694.jpg
Để bắt được sâu măng người dân phải đi sâu vào những khu rừng có nhiều cây luồng mọc

Đến các huyện miền núi Nghệ An vào thời điểm này, không khó để bắt gặp người dân đang tích cực vào rừng tìm kiếm sâu Măng, loài sâu sống và lớn lên trong ống măng cây Luồng. Theo những người dân đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực “săn sâu” cho biết: Thời tiết bắt đầu vào mùa đông là giai đoạn con sâu to, béo và ngon nhất. Sâu thường tập trung ở những cây măng đã già, lớp vỏ bọc của măng vẫn chưa bung rời khỏi cây. Lớp vỏ áo của măng có màu hơi ngả vàng thì bên trong có nhiều sâu. Cũng theo người dân địa phương, khi cây măng còn non, sâu phân tán lên trên phía ngọn. Khi vào mùa đông, cây tre to, sâu mới bắt đầu xuống tập trung ở các đốt măng phía dưới gốc để làm tổ. Để tìm được sâu măng không phải đơn giản, người dân phải đi mất cả ngày trời, vào các cánh rừng già, nơi có nhiều Luồng mọc. Việc kiếm được ít hay nhiều sâu còn phụ thuộc vào thời tiết và sự may mắn. Hiện nay, tại các chợ miền núi, 1kg sâu măng có giá bán từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng. Một ngày săn sâu măng người dân có thể kiếm được cả nửa triệu đồng.

Để có nguồn sâu măng dồi dào và thường xuyên, người dân ở các địa phương đã biết khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên, nhất là khu vực có nhiều cây Luồng mọc. Ngoài sâu măng, người dân các huyện miền núi Nghệ An còn có thêm nguồn thu từ các lâm sản phụ khác từ rừng.

sau-3-20231123151446-1700794801.jpg
Những con sâu măng sinh trưởng, phát triển và lớn lên trong những cây luồng

Theo Anh Hờ Bá Xà, người dân xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, cho biết: "Vào mùa sâu măng người dân có thể có thêm thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng, thậm chí ở các bản làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo vệ cây măng Luồng thì nguồn thu còn cao hơn”.

Từ một món ăn để phục vụ gia đình trong các bữa ăn trước đây, thì giờ sâu măng đã trở thành đặc sản và trở thành mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường. Hiện sâu măng trở thành hàng hóa có mặt tại tất cả các chợ ở các huyện vùng cao Nghệ An. Nó còn là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm tiếp đãi khách quý của bà con dân tộc xứ Nghệ trong các dịp cuối năm./.

Quốc Cường