Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh khi dự và phát biểu khai mạc tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2025) vừa được tổ chức tại Cần Thơ.

Ngành tôm đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh, chuyển đổi từ truyền thống sang sản xuất bền vững
Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, trong suốt 2 thập kỷ qua, ngành tôm luôn giữ một vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói riêng và trong phát triển nền kinh tế nói chung. Ngành tôm đã nỗ lực không ngừng để con tôm của Việt Nam trở thành một trong những mặt hàng chủ lực xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia cung cấp tôm hàng đầu thế giới.
Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD, đây là một thành tích ấn tượng trong xuất khẩu tôm của nước ta. Năm 2025, dự báo ngành hàng tôm vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm, chi phí đầu vào tăng, áp lực cạnh tranh thương mại, các yêu cầu mới và ngày càng khắt khe của thị trường về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 542 triệu USD, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Sự phục hồi của một số thị trường chính, Mỹ, Nhật Bản, EU, việc triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, tận dụng tốt chính sách của các thị trường là cơ hội cho tôm Việt “bứt phá” trong năm 2025.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành tôm đang bước vào một giai đoạn cách mạng xanh với sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức, mô hình sản xuất từ truyền thống sang sản xuất bền vững. Nhiều DN đã chủ động đầu tư vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế. Cùng với đó, nuôi trồng theo hướng giảm phát thải carbon, tăng tính thân thiện với môi trường.
“Điều kiện nuôi trồng còn nhiều thách thức, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đô thị, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm bệnh viện, ô nhiễm khu công nghiệp bủa vây các khu vực nuôi tôm. Trong khí đó hạ tầng nuôi trồng thủy sản nói chung và hạ tầng nuôi tôm của nước ta còn rất yếu, tỷ lệ nuôi quảng canh, nuôi ao đất còn rất nhiều. Với nông nghiệp nói chung phải đi theo 3 hướng đồng bộ đó là kinh tế tuần hoàn, đó là giảm phát thải, đó là chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trước những thách thức từ thị trường, từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuyển đổi mô hình nuôi tôm theo hướng tuần hoàn để tối ưu hóa đầu vào và đầu ra. Xanh hóa chuỗi sản xuất, chuẩn hóa lại sản xuất để ngành tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Cả nước hiện có hơn 750.000ha nuôi tôm, trong đó có trên 200.000ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp như tôm rừng, tôm lúa... đã tỏ rõ ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, ngành tôm đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh, chuyển đổi từ truyền thống sang sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. "Mục tiêu ngành tôm hướng đến không chỉ tập trung vào sản lượng, còn ưu tiên chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Với sức mạnh đồng lòng, năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ đạt từ 4 - 4,3 tỷ USD”, ông Tiến nói.

Chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn là yêu cầu với doanh nghiệp thủy sản
Thông tin tại sự kiện, Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ NN&MT) cho biết, tính đến năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, kim ngạch đạt hơn 10 tỷ USD. Trong đó, ngành tôm có vai trò quan trọng cho xuất khẩu thủy sản suốt 2 thập kỷ qua, mỗi năm ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Cùng với đó, nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, do sự phát triển “nóng” đã khiến môi trường nuôi tại nhiều vùng nuôi biến đổi, gây suy thoái và ô nhiễm.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam - cho biết, sự tăng trưởng của ngành tôm có phần từ kết quả ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong nuôi và chế biến tôm. Tuy nhiên, việc mở rộng các mô hình nuôi tôm lại tạo áp lực lên môi trường tự nhiên, khiến chất lượng môi trường vùng nuôi đi xuống.

Con tôm đem lại giá trị kinh tế cao không chỉ cho người nuôi tôm mà còn cho nền kinh tế đất nước. Năm 2024, sản lượng nuôi tôm cả nước đạt hơn 1,2 triệu tấn, mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD. Sự tăng trưởng về năng suất và kim ngạch xuất khẩu tôm có công rất lớn từ việc trình độ khoa học kỹ thuật và các mô hình công nghệ cao đã và đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong nghề nuôi tôm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, trong những năm qua, cùng với việc nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi, tìm kiếm những giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực nuôi tôm một cách hiệu quả và bền vững vẫn luôn được ngành nông nghiệp và các địa phương tìm kiếm, đặc biệt là khi yêu cầu của thị trường thế giới ngày một khắt khe hơn, đòi hỏi yếu tố thân thiện môi trường cao hơn.
Theo ông Thắng, chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn là yêu cầu với doanh nghiệp thủy sản, nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường nước nhập khẩu./.