Nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi"

10 năm qua, nhiều nước đã gia tăng vay nợ nhằm đối phó với hệ quả cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Hiện tại, lãi suất đang có xu hướng tăng lên, nhiều quốc gia đang phát triển đứng trước áp lực không nhỏ. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đưa ra một cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi".

Theo Ngân hàng Thế giới, gánh nặng giá nhiên liệu, phân bón, thực phẩm và có thể sẽ là lãi suất, tất cả đều sẽ có ảnh hưởng lớn và gây những lo ngại sâu sắc tới các quốc gia đang phát triển.

Vừa bước ra khỏi khủng hoảng COVID-19, thế giới lại va vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác. Cuộc chiến tại Ukraine nổ ra đã cản trở tiến trình phục hồi của hầu hết các nền kinh tế. Cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều đưa ra một cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang "hụt hơi".

Nguyên nhân chủ yếu đến từ mức dự báo suy giảm kinh tế mạnh ở nhiều nước khu vực châu Âu và châu Á, do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine. Tình trạng giá nhiên liệu và lương thực tăng cao cũng tác động mạnh đến tiêu dùng tại nhiều quốc gia, kéo chậm đà tăng trưởng, đặc biệt tại các nước phát triển.

Người dân các nước đang phải đối mặt với sự đảo ngược trong phát triển giáo dục, y tế và bình đẳng giới cũng như việc suy giảm hoạt động thương mại và buôn bán. Ngoài ra, các cuộc khủng hoảng nợ và mất giá tiền tệ cũng là một trong những gánh nặng gây áp lực lên cuộc sống của người lao động thu nhập thấp.

2-1650959202.jpeg
Vừa bước ra khỏi khủng hoảng COVID-19, thế giới lại va vào một cuộc khủng hoảng kinh tế khác. Ảnh minh hoạ.

Ông David Malpass, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cho biết: "Cuộc chiến ở Ukraine và tình trạng phong tỏa COVID-19 ở Trung Quốc đang làm con đường phục hồi khó hơn. Chiến tranh ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và tài chính, các mối liên kết thương mại. Các nền kinh tế tiên tiến với hệ thống bảo trợ xã hội phát triển đang hỗ trợ người dân của họ khỏi thiệt hại do lạm phát và tắc nghẽn thương mại. Nhưng các nước nghèo hơn có nguồn lực tài chính hạn chế và hệ thống yếu đang rất cần hỗ trợ".

Ông cũng thông tin thêm "cần quan tâm sâu sắc đến các nước đang phát triển", khi những nước này đang phải đối mặt với việc tăng giá năng lượng, phân bón và thực phẩm và khả năng lãi suất tăng.

Nhằm ứng phó với các thách thức hiện nay, dự kiến WB sẽ tung ra gói hỗ trợ trị giá 170 tỷ USD, kéo dài cho tới giữa năm sau, nghĩa là còn lớn hơn cả quy mô gói hỗ trợ đại dịch COVID-19 trong các năm trước.

Theo IMF, tổng vay nợ của các Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình trên thế giới đã tăng lên 256% GDP - mức chưa từng thấy kể từ hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20. Nhiều nước đang phát triển đã tích lũy núi nợ trong suốt thập niên qua, đặc biệt là trong hai năm vừa rồi khi họ cần nguồn tài chính để trang trải cho các chi phí của đại dịch COVID-19.

Ông Vitor Gaspar, Giám đốc các vấn đề tài khóa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết: "Hệ thống giám sát tài chính đang chú ý tới rủi ro nợ Chính phủ. Gần 60% các nước đang phát triển có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh vỡ nợ hoặc có nguy cơ cao vỡ nợ".

Đối với các nước đang phát triển, tiến trình phục hồi đang bị phủ bóng bởi nhiều khó khăn hơn. Chi phí lương đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trong tháng 3 vừa qua. Giá năng lượng và lãi suất đều đang trong xu hướng tăng, gây thêm áp lực cho cuộc sống.

"Các Chính phủ có thể giảm nhẹ tác động từ việc giá cả tăng bằng các giải pháp hỗ trợ bộ phận dân số dễ bị tổn thương, trong đó có các giải pháp như chiết khấu hóa đơn dịch vụ thiết yếu hoặc hỗ trợ trực tiếp cho các gia đình nghèo", ông Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà Kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.

Phương Ly (t/h)