Bà Yellen lưu ý về sự thiếu chắc chắn liên quan đến tác động của biến thể mới, sau khi kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Delta vào đầu năm nay. Sự lan rộng của biến thể Omicron đã làm "chao đảo" các thị trường tài chính và khiến nhiều chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại.
Theo bà Yellen, biến thể mới có thể làm nghiêm trọng thêm các núi thắt trong chuỗi cung ứng và thúc đẩy lạm phát, song đồng thời cũng có thể làm giảm nhu cầu, gây ra tăng trưởng chậm hơn, vấn đề sẽ nới lỏng sức ép lạm phát.
Về nguyên nhân dẫn đến đà tăng của lạm phát, bà Yellen cho rằng gói chi tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào đầu năm nay không phải là nhân tố chính thúc đẩy giá tiêu dùng, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong 31 năm vào tháng Mười và cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% hàng năm của Fed. Theo bà Yellen, giá cả tăng cao chủ yếu là do các vấn đề trong chuỗi cung ứng và sự mất cân bằng cung-cầu.
Bà Yellen khẳng định Kế hoạch giải cứu người dân Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD được Quốc hội thông qua đầu năm nay đã giúp những người Mỹ dễ tổn thương vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 và củng cố đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Mặc dù kế hoạch này có thể góp phần vào đà tăng của lạm phát, song đà tăng của giá tiêu dùng phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự chuyển dịch tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa.
Bà Yellen cho biết chính phủ của ông Biden đang hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để hạn chế đà tăng của lạm phát, với nỗ lực đẩy nhanh việc xếp dỡ các container tại các cảng và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Bên cạnh đó, theo bà Yellen, nới lỏng chính sách áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có thể giúp giảm bớt một số áp lực lạm phát nhưng sẽ không phải là giải pháp chủ đạo./.