Phát triển Năng lượng tái tạo – Nông nghiệp hữu cơ – Chuyển đổi số tạo đà cho kinh tế xanh của Quảng Trị bứt phá

Tỉnh Quảng Trị đã và đang chú trọng phát triển các lĩnh vực Năng lượng tái tạo, Nông nghiệp hữu cơ và Chuyển đổi số. Hướng đi này không chỉ tạo ra sự bứt phá về kinh tế bền vững cho địa phương này mà nó còn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế chung của toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam với cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 .

Quảng Trị là địa phương có xuất phát điểm thấp về kinh tế so với các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, địa phương này nằm ở "khúc ruột miền Trung" quanh năm phải chống chọi với rất nhiều bất lợi thiên tai như mưa bão, lũ lụt, gió Lào (gió phơn Tây Nam) khô rát gây nên hạn hán kéo dài vào mùa hè.

Khó khăn là thế nhưng giờ đây tỉnh Quảng Trị đã tìm ra những hướng tích cực đó là "phát triển xanh" và bền vững. Một trong những lựa chọn hữu hiệu là khai thác triệt để lĩnh vực năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện năng lượng mặt trời, điện khí...

dien-gio-1684981552.jpg
Năng lượng xanh là lĩnh vực mang lại nhiều bước đột phá cho kinh tế tỉnh Quảng Trị (ảnh Đoàn Thuận)

Tính hết năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã có 31 dự án điện gió được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia với tổng công suất 1.177,2MW. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 (thời hạn được hưởng cơ chế khuyến khích của Chính phủ). Với kết quả này Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc). Theo ước tính sơ bộ, mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỉ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Như vậy, với 671,1MW điện gió đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng gần 350 tỉ đồng”.

Cũng theo ông Lê Tiến Dũng, Tỉnh Ủy viên - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị, các dự án còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân vùng (khoảng 10 lao động/dự án), phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (khoảng 7km đường giao thông/dự án), các dự án điện gió đã đóng thuế nhập khẩu khoảng 1.000 tỉ đồng, thuế xây dựng vãng lai khoảng 200 tỉ đồng. Tạo việc làm cho hàng trăm lao động kỹ thuật cao… Bên cạnh điện gió, các lĩnh vực điện khí LNG, điện năng lượng mặt trời cũng đang được triển khai và vận hành thương mại ở nhiều dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 49,5MW tại xã Gio Hải và xã Gio Thành, huyện Gio Linh do Công ty LICOGI 13 đầu tư xây dựng (đã đi vào hoạt động). Một số dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư cao như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, 1.500MW của Tổ hợp nhà đầu tư: T&T - HEC - KOGAS – POSKO (53.667,8 tỷ đồng); Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (TBK CTHH) Quảng Trị công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom CH Liên bang Nga đầu tư. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành năm 2023-2024 tại Công văn số 1798/TTG-CN, ngày 14/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với ngành nông nghiệp, du lịch - dịch vụ thì ngành Công Thương mà cụ thể hơn là công nghiệp, năng lượng tái tạo được xác định là 03 trụ cột chính để phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị.

Về lĩnh vực chuyển đổi số, thời gian qua, để thực hiện chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, là công cụ tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.... tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều phương án như: tổ chức các hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, mời các chuyên gia hàng đầu Việt Nam, Nhật Bản về chuyển đổi số để tổ chức các lớp tập huấn để truyền tải đến các cán bộ, lãnh đạo các cấp về các nội dung: Cách mạng công nghệ lần thứ tư và công nghệ số, chuyển đổi số trên môi trường thực – số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, phương pháp chuyển đổi số ST-235. Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, “Chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vì vậy cần phải được tiến hành khẩn trương, kiên trì, liên tục với những bước đi chắc chắn, có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển khoa học công nghệ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và phù hợp với thực tiễn của địa phương”.

chuyen-doi-so-1684981837.jpg
GS. TSKH Hồ Tú Bảo, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Giáo sư Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) của Việt Nam thuyết trình tại lớp tập huấn chuyển đổi số ở Hội trường Tỉnh ủy Quảng Trị

Trao đổi về vai trò Kinh tế xanh và Chuyển đổi số với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh bên lề buổi tập huấn về chuyển đổi số tại Tỉnh ủy Quảng Trị, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA cho biết: “Kinh tế xanh rất là quan trọng, nói vắn tắt thì đó là chủ trương phát triển kinh tế chung của toàn cầu và đặc biệt là Việt Nam chúng ta với cam kết tại COP26 thì phấn đấu đạt phát thải Zero (phát tải bằng 0) là mục tiêu rất là tham vọng. Nên chủ trương bây giờ gồm 2 từ khoá: “một là phát triển xanh", “hai là phát triển số".

Nói về câu chuyện chuyển đổi số tức là chúng ta dùng công nghệ số để làm cho cuộc sống thực nó tốt đẹp hơn. Chuyển đổi số như là phương thức phát triển, không phải chúng ta dành nhiều tiền để mua laptop hay là thiệt bị công nghệ vĩ đại mà về bản chất là thay đổi cách sống, làm việc phù hợp với các tiến bộ công nghệ, phù hợp với môi trường nó đang thay đổi. Nếu Quảng Trị tiến hành tốt chuyển đổi số cùng với phát triển xanh nó là hai trụ cột để tỉnh phát triển hơn, đáng sống hơn".

Trong chuyến làm việc với tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng nhấn mạnh, Quảng Trị đang đi đúng hướng khi lựa chọn lĩnh vực phát triển công nghiệp năng lượng xanh cho nền kinh tế. Việc phát triển năng lượng xanh cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Phát triển năng lượng xanh kết hợp với chuyển đổi số sẽ là bước đột phá cho nền kinh tế Quảng Trị, phù hợp với xu thế của thời đại. Chính vì vậy, cần bám sát các chương trình, lộ trình, chỉ đạo của trung ương để chuyển đổi số thành công nhằm làm bệ đỡ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, viên chức.

Về lĩnh vực nông nghiệp, cùng với lĩnh vực Du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo thì nông nghiệp được xác định là 03 trụ cột chính để phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị. Trong đó, nông nghiệp hữu cơ là mắt xích quan trọng trong tiến phát triển kinh tế Quảng Trị nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng bởi những giá trị mà nó mang lại như: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nông thôn, giảm chi phí sản xuất đi kèm với tăng thu nhập cho người dân.

Ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Quảng Trị) cho biết, hiện Công ty của ông đang đồng hành và hợp tác với khoảng 50.000 hộ dân trong việc triển các khai mô hình nông nghiệp hữu cơ. “Sau khi trừ chi phí bà con nông dân làm lúa hữu cơ lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Không những thế, để ổn định giá thành đầu ra đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, Công ty CP Tổng công ty thương mại Quảng Trị phối hợp với các huyện cam kết giá bảo hộ đầu ra, thu mua với giá 11.000đ/kg lúa tươi nếu năng suất đạt 5,6 tấn/ha. Trong trường hợp vượt 5,6 tấn thì công ty được một nửa, bà con được một nửa. Nếu dưới 5,6 tấn thì công ty bù một nửa và huyện bù một nửa”, ông Hiếu nói. 

huu-co-1684982154.jpg
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thăm quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Hải Lăng - Quảng Trị (ảnh: Đoàn Thuận)

Từ một tỉnh được xem là vùng trũng kinh tế nước, giờ đây bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Trị đang trở nên khởi sắc hơn nhiều sau ngày hòa bình và tái lập tỉnh với nhiều thành tựu vượt bậc. Địa phương này dần khẳng định tiếng nói của mình ở khu vực miền Trung. Dẫu rằng còn đó quá nhiều khó khăn, bộn bề, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh... nhưng Quảng Trị vẫn cho thấy đây là tấm gương sáng về sự kiên trì, ý chí, tự lực – tự cường và khát vọng vươn lên, biến khó khăn, thử thách thành tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên chiến lược phát triển các lĩnh vực năng lượng tái tạo hay còn gọi là năng lượng xanh, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp hữu cơ là những định hướng phát triển bền vững giúp địa phương này ngày một tiến xa hơn. Trong đó, vai trò nồng cốt để triển khai thắng lợi lĩnh vực năng lượng xanh có sự nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương, đối với lĩnh vực Chuyển đổi số có vai trò then chốt của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị và chuyển biến tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ là sự phấn đấu rất lớn của ngành Nông nghiệp và trong đó, có những doanh nghiệp tiên phong như Sepon Quảng Trị...

Đoàn Thuận