Ngành Công Thương với vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị

Ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế địa phương nhờ triển khai thành công lĩnh vực điện năng lượng tái tạo. Qua đó, đóng góp đáng kể cho ngân sách của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại đã có nhiều kết quả khả quan.

Từ một tỉnh được xem là vùng trũng kinh tế nước, giờ đây bức tranh kinh tế tỉnh Quảng Trị đang trở nên khởi sắc hơn nhiều sau ngày hòa bình và tái lập tỉnh với nhiều thành tựu vượt bậc. Địa phương này dần khẳng định tiếng nói của mình trên trường khu vực miền Trung – Tây nguyên. Dẫu rằng còn đó quá nhiều khó khăn, bộn bề, thách thức từ thiên tai, dịch bệnh... nhưng Quảng Trị vẫn cho thấy đây là tấm gương sáng về sự kiên trì, ý chí, tự lực – tự cường và khát vọng vươn lên, biến khó khăn, thử thách thành tiềm năng, lợi thế để phát triển.

Sở dĩ chúng tôi nói như vậy bởi tỉnh Quảng Trị nằm ở "khúc ruột thắt" của miền Trung vốn được biết đến là vùng đất khó khăn, quanh năm thiên tai bão lũ luôn rình rập, thực tế đã có nhưng cơn lũ lịch sử đi qua. Bên cạnh đó, Quảng Trị là địa phương có “gió Lào” hay còn gội là gió Phơn Tây – Nam hoạt động mạnh nhất nước ta vào mùa hè. Sức gió lúc mạnh nhất có thể tương đương với áp thấp nhiệt đới. Đáng ngại hơn, những cơn gió này có tính chất khô rát do có độ ẩm rất thấp kết hợp với cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè nơi đây gây nên hiện tượng khô cằn, hạn hán, cây cối trở nên khô héo, kém phát triển.

Trở ngại lớn nhưng con người Quảng Trị không dễ dàng bị khuất phục, không chùn bước, họ đã biết cách chế ngự thiên tai để thu về những khoản thu lớn cho địa phương qua việc triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo. 

dien-gio-1669569489.jpg
Điện gió mang về khoản thu ngân sách lên đến hàng trăm tỉ đồng cho tỉnh Quảng Trị. (Ảnh một dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Để làm được như vậy là nhờ có sự đồng lòng trong nhân dân, sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn của tỉnh được giao nhiệm vụ đầu mối đã nỗ lực rất lớn để phối hợp với các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự điện năng lượng tái tạo.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đến nay, đã có 31 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 1.177,2MW. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió với tổng công suất 671,1MW hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31 tháng 10 năm 2021 (thời hạn được hưởng cơ chế khuyến khích của Chính phủ). Với kết quả này Quảng Trị trở thành tỉnh có số dự án điện gió và tỷ lệ công suất vận hành thương mại cao nhất cả nước (chiếm 16,9% toàn quốc). Theo ước tính sơ bộ, mỗi MW điện gió có doanh thu khoảng 6 tỉ đồng/năm, chỉ tính riêng thuế VAT (8%), mỗi MW điện gió đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Như vậy, với 671,1MW điện gió đã vận hành thương mại, hàng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng gần 350 tỉ đồng”.

Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị, các dự án còn góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân vùng (khoảng 10 lao động/dự án), phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (khoảng 7km đường giao thông/dự án), các dự án điện gió đã đóng thuế nhập khẩu khoảng 1.000 tỉ đồng, thuế xây dựng vãng lai khoảng 200 tỉ đồng. Tạo việc làm cho hàng trăm lao động kỷ thuật cao…

Ngoài ra, vào tháng 8/2022, tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án điện gió ngoài khơi Quảng Trị với công suất 1.000 vào quy hoạch điện VIII.

quang-tri-4-1669569925.jpg
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị

Bên cạnh điện gió, các lĩnh vực điện khí LNG, điện năng lượng mặt trời cũng đang được triển khai và vận hành thương mại ở nhiều dự án. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dự án Nhà máy điện mặt trời công suất 49,5MW tại xã Gio Hải và xã Gio Thành, huyện Gio Linh do Công ty LICOGI 13 đầu tư xây dựng (đã đi vào hoạt động). Một số dự án trọng điểm với tổng vốn đầu tư cao như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, 1.500MW của Tổ hợp nhà đầu tư: T&T - HEC - KOGAS – POSKO (53.667,8 tỷ đồng); Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp (TBK CTHH) Quảng Trị công suất 340MW do Tập đoàn Gazprom CH Liên bang Nga đầu tư. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đưa vào vận hành năm 2023-2024 tại Công văn số 1798/TTG-CN, ngày 14/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

lng-hai-lang-1669570037.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Quảng Trị ấn nút khởi công hợp phần kỹ thuật Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1, 1.500MW

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phấn đấu đến năm 2025 Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.

Để đạt được mục tiêu quan trọng này thì công nghiệp (đặc biệt công nghiệp năng lượng), nông nghiệp và du lịch - dịch vụ được xác định là ba trụ cột chính để phát triển. Đặc biệt, trong công nghiệp, xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực then chốt, đột phá, trong đó có năng lượng gió. Đồng thời, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung và cả nước theo chủ trương đã được Thường trực Chính phủ ủng hộ tại Thông báo số 17/TB-VPCP ngày 25/01/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại có nhiều chuyển biến tích cực

Trong năm 2022, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh và phát triển mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 18,68% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng chung cả nước và cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước 8,72%); đây là mức tăng trưởng cao nhất trong những năm qua do động lực tăng trưởng chủ yếu là ngành sản xuất và phân phối điện tăng rất cao(+76,68%) so với cùng kỳ', do có 17 dự án điện gió mới đi vào vận hành vào cuối năm 2021.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong năm 2022 tiếp tục ổn định và tăng mức sản lượng phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng như: Điện sản xuất tăng 100,49%; dăm gỗ tăng 39,09%; gỗ cưa, gỗ xẻ tăng 20,1%; quặng inmenit tăng 19,59%;bộ com-lê, quần áo tăng 19,35%; bia lon tăng 10,07%; điện thương phẩm tăng 9,73%. Một số sản phẩm giữ mức tăng ổn định như: Săm xe tăng 3,55%; nước uống được tăng 1,35%; quặng zircon tăng 1,1%; xi măng tăng 0,45%, lốp xe tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 21.456,42 tỉ đồng, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 3.702,94 tỉ đồng, tăng 28,36% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 2,719,9 tỉ đồng, tăng 79,29% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.551,23 tỉ đồng, tăng 24,02% so với cùng kỳ năm trước.

lanh-dao-bo-nganh-va-dia-phuong-cat-bang-khai-mac-1658800717-1669570833.jpg
Nghi thức khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - Quảng Trị 2022

Ngoài ra, ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thương mại, là cầu nối quan trọng kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đơn cử như Hội chợ Thương mại khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - Quảng Trị 2022 thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia năm 2022; xác nhận và giám sát việc tổ chức Hội chợ Thương mại và Du lịch Gio Linh năm 2022 nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Gio Linh. Hay Hội nghị hợp tác về lĩnh vực Thương mại, Đầu tư, Du lịch, Lao động và Truyền thông Quảng Trị - Savannakhet – Mukdahan...

z3702293430581-2e04e5be23c33c606f7f723a738f3df8-1662531218-1669570303.jpg
Hội thảo "Quảng Trị hiện thực hoá tầm nhìn Trung tâm năng lượng miền Trung" do Sở Công Thương phối hợp với Báo Công Thương tổ chức hồi tháng 9/2022

Cùng với ngành nông nghiệp, du lịch - dịch vụ thì ngành Công Thương mà cụ thể hơn là công nghiệp, năng lượng tái tạo được xác định là 03 trụ cột chính để phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị. Đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Trị vươn lên trong khó khăn, bế tắc, biến khó khăn, thử thách thành tiềm năng, lợi thế để phát triển đó chính là động lực cho các lĩnh vực khác phát triển, ngành Công thương Quảng Trị đã khẳng định vai trò là “bệ phóng” cho nền kinh tế tỉnh Quảng Trị.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Thu hút đầu tư vào làm điện gió là chủ trương đúng vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1 MW điện gió đóng góp vào nguồn thu của địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Làm điện gió cũng ít tác động đến môi trường. Minh chứng là làm 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất; trong đó, có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời".
Đoàn Thuận