Long An: Tăng chất lượng, mở rộng thị trường mới cho nông sản xuất khẩu

Ngoài các thị trường truyền thống, phần lớn nông sản của tỉnh Long An xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, cũng như một số tỉnh trong cả nước, Long An đang gặp khó khăn về hàng hóa tồn ứ tại cửa khẩu, cước phí vận tải, kho bãi tăng, hàng hóa nông sản bị hư hỏng… làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và thất thu của người nông dân.

Vì vậy, tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, nông dân trong tiêu thụ hàng nông sản. Trước mắt là hướng về tiêu thụ nội địa cũng như tăng chất lượng, tìm thị trường mới xuất khẩu.

* Doanh nghiệp, nông dân gặp khó

Hiện nay, các cửa khẩu tại các tỉnh phía Bắc hạn chế thông quan dẫn đến hàng trăm xe container nông sản của tỉnh ùn ứ. Các mặt hàng nông sản để lâu, bị hư hỏng. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp tỉnh Long An lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa, nhằm gỡ lại phần nào chi phí.

Bà Trần Thị Thanh Lan, Chủ kho thanh long Thanh Châu, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, kho của bà có trên 20 xe container thanh long đang nằm tại các cửa khẩu phía Bắc nhiều ngày; trong đó, có 3 xe container thanh long đã quay đầu và bán với giá rất thấp tại Hà Nội để mong lấy lại chi phí xăng xe. Chuẩn bị phục vụ thị trường Tết, bà Thanh Lan còn đặt cọc các nhà vườn trồng thanh long hơn 1 tỉ đồng. Thế nhưng, tại cửa khẩu đóng ùn tắc, bà không dám thu mua vì kho không có chỗ chứa, cũng như xuất khẩu không được.

Bà Lan cho hay: "Tôi mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp thông thương cửa khẩu, giải quyết càng nhanh, càng tốt trong dịp Tết này. Hiện trái thanh long còn rất nhiều ngoài vườn, nông dân chưa bán được và thương lái cũng trông chờ từng ngày, từng giờ để cửa khẩu thông quan".

Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty MPT Safari tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành bày tỏ, trong kho của ông còn tồn khoảng 200 tấn thanh long trữ lạnh. Hơn một tuần nay, do xe container không qua cửa khẩu được nên ông tìm cách đưa hàng hóa vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển. Song, việc xuất khẩu bằng đường thủy cũng không hiệu quả do các hãng tàu liên tục hủy chuyến. Vì vậy, đối với trái thanh long ông Phương buộc phải khui hàng ra bán nội địa với giá thấp.

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, tỉnh Long An có tích khoảng 12 nghìn ha thanh long. Thời điểm này, có khoảng 6 nghìn ha thanh long cho trái, với khoảng 20 nghìn tấn. Người dân đang vào mùa thu hoạch, nhưng do tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu, làm ảnh hưởng rất lớn đến thu hoạch thanh long. Còn các thương lái, các nhà kho rất e ngại thu mua vì không thể đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. Theo thống kê, Long An có khoảng 200 xe contaier thanh long bị ùn ứ ở các cửa khẩu với khoảng 3.000- 4.000 tấn.

xuat-khau-nong-san-vao-trung-quoc-ngay-cang-nhieu-kho-khan-thanhlong-thumb43-1640828744.jpeg
Tăng chất lượng, mở rộng thị trường mới cho sản phẩm nông sản xuất khẩu ở Long An. Ảnh minh hoạ

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đã trao quyền chỉ dẫn địa lý cho các đơn vị trồng thanh long ở Châu Thành, tỉnh Long An, cho Hiệp hội thanh long và các đơn vị hợp tác xã. Có thể xem đây là giải pháp rất hữu hiệu để cho thanh long đi xa, xuất khẩu nhanh hơn qua các thị trường khác mà không phu thuộc vào Trung Quốc.

* Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa

Long An hiện có 300 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp với diện tích trồng lúa hàng năm khoảng 500 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 2,9 triệu tấn/năm; khoảng 10 nghìn ha rau các loại, với sản lượng trên 200 nghìn tấn/năm; trên 11,8 nghìn ha thanh long với sản lượng khoảng 330 nghìn tấn/năm; hơn 11,5 nghìn ha chanh, sản lượng khoảng 130 nghìn tấn/năm; …

Nhiều nông sản của tỉnh, người dân sản xuất chỉ tiêu thụ tại địa phương khoảng từ 30-65% tùy loại, còn lại cung cấp cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Riêng thanh long, chanh, mít,… phần lớn là xuất khẩu; trong đó chủ yếu ở thị trường Trung Quốc.

Ông Lê Văn Chín, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An chia sẻ, việc ùn ứ hàng hóa đã xảy ra nhiều năm trước đây. Hiện nay, người tiêu dùng chưa mặn mà với lại sản phẩm trong nước. Muốn người dân ủng hộ hàng hóa, thì người sản xuất, người nông dân phải làm sạch sản phẩm (không thuốc trừ sâu, sử dụng phân bó hữu cơ,…). Chỉ cần thị trường trong nước tiêu thụ 30%, người sản xuất không còn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Muốn có sự thay đổi này, các cấp các ngành phải đồng bộ vào cuộc một cách quyết liệt.

Theo Sở Công Thương Long An, hiện phía Trung Quốc kiên trì chính sách Zero COVID-19, siết chặt quy trình giao nhận hàng hóa nên thời gian thông quan kéo dài, trong khi nhiều trái cây Việt nam vào vụ thu hoạch rộ. Từ thực tế đó, trước mắt, Sở Công Thương thường xuyên cập nhật tình hình tại các cửa khẩu biên giới để thông tin đến các địa phương, doanh nghiệp; tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị, doanh nghiệp điều tiết lượng hàng lên biên giới để giảm thiệt hại; phối hợp các địa phương, các đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ, tiêu thụ trong nước.

Sở Công Thương cũng đã tổ chức chương trình ký kết tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của tỉnh giữa Công ty TNHH San Hà và các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Việc ký kết tiêu thụ sản phẩm là tín hiệu tích cực trong nỗ lực đẩy mạnh chương trình kích cầu tiêu dùng của tỉnh Long An. Qua đó, vừa giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nhanh nhóng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khó khăn của dịch bệnh COVID-19, vừa giúp người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm với những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá cả hợp lý; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Long An, thời điểm này, nông dân đang sản xuất một lượng hàng lớn để phục vụ Tết Nguyên đán. Vì vậy, Sở Công Thương đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại số lượng nông sản đang tồn ứ và nông sản đang chuẩn bị thu hoạch để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trước tiên, Sở khuyến cáo các công ty, doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ sản phẩm tại nội địa, vì hiện các cửa khẩu đã ngừng thông quan, không thể xuất khẩu được.

Thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị có sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, các ngành, địa phương trong việc sản xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc... tạo điều kiện xuất khẩu theo hợp đồng thương mại (chính ngạch) và mở rộng thị trường mới. Các đơn vị tuyệt đối thực hiện nghiêm an toàn COVID-19 trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, kiểm soát an toàn lao động sản xuất, bao bì, phương tiện, phun khử trùng hàng xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hợp tác kinh doanh theo hợp đồng, theo thị trường, tránh sản xuất tự phát nhiều rủi ro…

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Long An cũng đang tập trung hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhằm giúp họ nắm rõ thông tin cung - cầu các bên, tránh việc sản xuất cung vượt cầu, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử.

Theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, ngành đang tập trung một số giải pháp để xúc tiến vấn đề tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã, nông dân trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Theo đó, ngành nông nghiệp kết nối với các tổ chức, cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ nông sản cho nông dân; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản cũng như đa dạng hóa các phương thức phân phối hàng hóa; đồng thời, chỉ đạo các địa phương rà soát lại các mặt hàng nông sản chuẩn bị thu hoạch, đang thu hoạch hoặc sắp thu hoạch để xây dựng các phương án tiêu thụ kịp thời và hiệu quả./.