Nâng chất những nông sản chủ lực sẽ tạo lực đẩy để Bến Tre đạt mục tiêu xuất khẩu 1,85 tỷ USD năm 2025

Bến Tre có lợi thế xuất khẩu nông sản do có những vùng trồng trọt quy mô lớn như: trên 80.700 ha dừa, cho sản lượng 711 triệu trái; 23.000 ha cây ăn trái, sản lượng 283.000 tấn; cùng với hơn 47.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản... Theo đó, tỉnh đang nỗ lực nâng cao giá trị với mục tiêu xuất khẩu đạt 1,85 tỷ USD, tăng 5,71% so với năm 2024.
ben-tre-xuat-khau-nong-san-4-1739360088.jpg
Chuyến xe xuất khẩu dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc.(Ảnh Báo Đồng Khởi)

Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 1,75 tỷ USD

Theo UBND tỉnh Bến Tre, năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mốc 1,75 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2023, đứng thứ 3 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong tổng kim ngạch xuất khẩu, mặt hàng dừa đóng vai trò nổi bật, với giá trị xuất khẩu đạt trên 516 triệu USD.

Những năm trước, trái dừa khô chỉ có giá dao động trên dưới 50.000 đồng/chục (12 quả) nay xuất khẩu mạnh, tăng lên trên 130.000 đồng/chục. Đáng ghi nhận ngành dừa Bến Tre năm qua tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, với thành tích kim ngạch xuất khẩu dừa, cán mốc 1 tỷ USD. Hơn 200.000 hộ dân trồng dừa tại xứ dừa rất phấn khởi khi trái dừa được giá.

Ông Ngô Tấn Quyền, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm- địa phương có 390 ha cây dừa cho biết: “Năm nay bà con trồng dừa rất phấn khởi do giá dừa tăng lên từ từ. Hiện nay, mức giá cao nhất dừa khô mà bà con bán là 130.000 đồng/chục. Giá dừa lên, bà con rất vui, thu nhập ổn định và có tăng lên so với trước đây”.

Bên cạnh trái dừa thì bưởi da xanh cũng là mặt hàng nông sản ở Bến Tre đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Toàn tỉnh đã trồng khoảng 10.000 ha bưởi da xanh, chiếm 20% diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh, cho sản lượng 200.000 tấn/năm.

ben-tre-xuat-khau-nong-san-1-1739360151.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh (bìa phải) khảo sát mô hình sản xuất dừa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. (Ảnh Báo Đồng Khởi)

Bưởi da xanh ở tỉnh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý; được cấp 25 mã số vùng trồng xuất sang thị trường EU và Hoa Kỳ. Riêng đối với Hòa Kỳ đã cấp 11 mã số vùng trồng với diện tích gần 167 ha, sản lượng 3.135 tấn/năm. Nhờ xuất khẩu nên trái bưởi Bến Tre được nâng lên về giá trị, nhà vườn áp dụng sản xuất “sạch” để giữ vững thương hiệu trái cây đặc sản này.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh huyện Giồng Trôm nhận xét: “Bưởi ngon nên khách hàng rất ưu ái, ở đâu cũng được tin dùng. Giá hiện tại từ 1,2kg trở lên là 40.000 đồng/trái, nói chung bán nội địa hay xuất khẩu cũng giá đó thôi. Trái bưởi bán lãi khoảng 30.000 đồng/kg, vì chi phí khoảng 10.000 đồng, kg bưởi kiếm lời 20.000 - 30.000 đồng. Cây bưởi có thu hoạch phải trồng sau 5 năm”.

Bên cạnh trái cây thì thủy sản nhất là cá tra, nghêu, tôm… cũng là sản phẩm xuất khẩu mạnh. Đến nay, thị trường xuất khẩu của Bến Tre được mở rộng đến 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và có mặt ở các thị trường khó tính với khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Á, châu Mỹ, châu Âu, còn lại là châu Đại Dương và châu Phi.

Điểm nổi bật của Bến Tre đối với nhiều địa phương trong khu vực là chủ yếu xuất khẩu nông sản do có tiềm năng và lợi thế như: hơn 80.700 ha dừa, cho sản lượng 711 triệu trái; 23.000 ha cây ăn trái, sản lượng 283.000 tấn; hơn 47.200 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.

ben-tre-xuat-khau-nong-san-2-1739360212.jpg
Nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre đưa trái bưởi da xanh xâm nhập nhiều thị trường khó tính trên thế giới. (Ảnh VOV)

Là địa phương khởi động chương trình OCOP đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến nay, Bến Tre có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP 5 sao, 59 sản phẩm 4 sao.

Các sản phẩm OCOP 5 sao, gồm: kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng (của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á) và trái sầu riêng cấp đông (của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu).

Sản phẩm OCOP 5 sao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác, các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định và có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận. Đồng thời, được hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại trên thị trường trong và ngoài nước.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Võ Tiến Sĩ cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng nhiều kế hoạch để hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, làm cơ sở cung cấp vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP như: dừa, bưởi, lúa, cây giống và hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản, bò, tôm… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan…

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng thương mại điện tử lớn

Năm 2025, tỉnh Bến Tre quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, xác định lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa là khâu trọng yếu.

Bến Tre tăng cường theo dõi diễn biến thị trường, nhất là về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn; kịp thời định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu phải tăng ít nhất 18% so với cùng kỳ với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,85 tỷ USD, tăng 5,71% so với năm ngoái. Tỉnh sẽ tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu, hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động phục vụ xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, đồng thời hỗ trợ giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Bến Tre tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng thương mại điện tử lớn; kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại, thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm chủ lực như dừa, nông sản chế biến và hàng thủ công mỹ nghệ; tham gia triển lãm quốc tế uy tín để quảng bá sản phẩm và thương hiệu tỉnh Bến Tre.

ben-tre-xuat-khau-nong-san-3-1739360272.jpg
Sầu riêng là một trong số trái cây ở tỉnh Bến Tre xuất khẩu có giá trị cao.(Ảnh VOV)

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế.

Trong đó, tỉnh Bến Tre chiếm hơn 40% diện tích trồng dừa cả nước. Ngành công nghiệp chế biến dừa ở tỉnh đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm dừa của tỉnh hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị sản xuất chế biến dừa năm 2023 đạt 3.750 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu từ dừa đã đạt gần nửa tỷ USD.

Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Bến Tre là nông sản. Chúng tôi sẽ dồn lực hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp có điều kiện và tiềm năng xuất khẩu. Năm 2025 chúng tôi phấn đấu sẽ đạt cón số xuất khẩu là 1,8 tỷ USD. Đây là con số mà chúng tôi biết trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang rất khó khăn, việc bảo hộ, hàng rào kỹ thuật khá nhiều…nhưng với những sản phẩm của tỉnh Bến Tre cũng có những lợi thế cạnh tranh. Quyết tâm yếu tố xuất khẩu cũng là những tác động đến tăng trưởng 8%/năm. Do đó con số 1,8 tỷ USD sẽ cố gắng thực hiện được”./.

Bình Nguyên