Ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định cho biết, đợt dịch lần này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm từ 40 - 50% so với năm 2020 do bị đứt gãy nguồn cung vật tư, nguyên liệu sản xuất. Khi sản xuất xong thì gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa cộng thêm chi phí test nhanh, xét nghiệm PCR... dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Nam Định đề xuất, ngành ngân hàng cần giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tới năm 2022; ngành điện lực chỉ nên thu tiền điện 1 lần/tháng vào cuối tháng. Cùng với đó, đề nghị tỉnh miễn nộp phí công đoàn cùng một số loại phí chuyên ngành khác từ nay đến năm 2023 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đề xuất tỉnh Nam Định cần sớm quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn, tập trung; đồng thời quan tâm đến chiến lược sản xuất giống cây, giống con và sớm thành lập trung tâm xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Nam Định cho rằng, việc tỉnh nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng, hạn chế được mức độ lây lan các ca nhiễm ra ngoài cộng đồng đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp đã giúp sản xuất không bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất hạn chế. Để công nhân, người lao động yên tâm lao động, sản xuất, nhiều doanh nghiệp đề nghị lãnh đạo tỉnh Nam Định cần bố trí phân bổ nhiều vaccine hơn nữa cho các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn.
Theo ông Trần Văn Dĩnh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường An, dịch bệnh đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lượng công nhân, tăng lao động làm việc tại nhà, song cũng có rất nhiều việc không thể giải quyết tại nhà được. Vì vậy, tỉnh Nam Định cần có cơ chế thông thoáng hơn đối với những người đã được tiêm phòng vaccine được ra, vào tỉnh và đặc biệt là đẩy mạnh việc cấp luồng xanh cho các xe vận tải hàng hoá.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, hiện đã có khoảng 25% dân số trong độ tuổi tiêm được tiêm vaccine mũi 1, còn mũi 2 mới tiêm được cho khoảng 6% dân số. Dự kiến từ nay đến cuối năm, với lượng vaccine về nhiều, tỉnh sẽ ưu tiên phân bổ cho các khu, cụm công nghiệp để sớm tiêm cho công nhân, người lao động. Tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các chốt kiểm soát tạo điều kiện cho các xe được cấp luồng xanh ra, vào địa bàn.
Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nam Định cho rằng, hiện còn nhiều thủ tục hành chính gây khó dễ khiến doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành, từ đó bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Mặt khác, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại Nam Định vẫn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến việc vận chuyển hàng hoá của doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đại diện doanh nghiệp cũng hiến kế để Nam Định tạo đột phá trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân như: cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh tại đền Trần, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, nhà thờ đổ Hải Lý, hay du lịch sinh thái tại rừng ngập mặn…
Phát biểu tại buổi gặp, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định khẳng định, nếu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư thì có thể gửi thư, gọi điện trực tiếp cho các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh. "Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; đặc biệt, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, doanh nhân đang đang tìm hiểu và đang đầu tư trên địa bàn về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư cũng như về mặt bằng", Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh./.