Mỹ: Đà tăng lạm phát chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong tháng 11

Theo số liệu mới nhất do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/12, giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 11/2021 đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tiến 0,8% so với tháng 10 khi nền kinh tế hàng đầu thế giới này tiếp tục phát triển mạnh, lấn át cả những khó khăn về chuỗi cung ứng và thúc đẩy lạm phát đi lên.

Dữ liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ, đã tăng mạnh trong tháng 11 khi các nhà bán lẻ, các kho hàng, nhà cung cấp và các công ty vận chuyển chạy đua nhằm đáp ứng nhu cầu lên cao.

Lạm phát tại Mỹ tiếp tục nới rộng đà tăng sau khi đã tiến 6,2% vào tháng 10, mức tăng theo năm cao nhất trong ba thập niên qua. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của tháng 11 cũng là mức cao nhất kể từ năm 1982 tới nay.

Bộ Lao động cho biết giá cả tăng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, bao gồm giá xăng dầu, chỗ ở, thực phẩm và phương tiện giao thông đã đóng góp phần lớn vào mức tăng trên. Bộ này nhấn mạnh lạm phát hồi đầu năm nay hầu như do tình trạng thiếu hụt chip nhớ toàn cầu ánh hưởng đến các ngành hàng sản xuất ô tô, điện tử và các hàng hóa khác, song sự khan hiếm nguồn cung đó hiện đã lan ra thêm nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo, người tiêu dùng Mỹ đã phải trả thêm 0,7% cho thực phẩm, 6,1% cho xăng và 0,5% cho chỗ ở so với tháng 10. Giá thực phẩm nói chung tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với lượng mua từ cửa hàng tạp hóa tăng 6,4% và thực phẩm mua từ nhà hàng tăng 5,8%.

16391842614451897099247-1639198566.jpeg
Người dân mua sắm ở Bradford, bang Pennsylvania-Mỹ. Ảnh: Reuters

Mặc dù mức tăng lạm phát của tháng 11 đã được thị trường dự báo, đây vẫn là một áp lực đáng kể đối với các hộ gia đình thiếu tiền và là mối đe dọa chính trị đối với Tổng thống Biden và các nhà lập pháp Dân chủ. Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ hiện đang nỗ lực nêu bật nhiều điểm mạnh của đà phục hồi kinh tế sau giai đoạn suy thoái vì COVID-19, một phần nhờ dự luật chi tiêu trị giá 1.900 tỷ USD được ký vào tháng Ba năm nay.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 4,2% vào tháng 11. Chi tiêu tiêu dùng cũng tăng trên mức trước đại dịch, với tăng trưởng tiền lương khá nhanh và thị trường chứng khoán chạm lên mức cao kỷ lục mới. Tuy nhiên, lạm phát cao kéo dài đã lấn át những lợi ích trên và gây thiệt hại nặng nề cho những người ít có khả năng chi trả nhất.

Việc tăng giá trong tháng 11 cũng có thể sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thu hẹp các biện pháp kích thích được triển khai kể từ khi cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra bắt đầu.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell vào tháng trước cho biết ủy ban hoạch định chính sách của ngân hàng có thể sẽ thảo luận về việc tăng tốc thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng tại cuộc họp ở Washington vào tuần tới. Fed đã mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng kể từ tháng 3/2020, trong khi cắt giảm phạm vi lãi suất cơ bản xuống 0 - 0,25% để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, số liệu lạm phát tháng 11 cũng có thể thúc đẩy Fed đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất vì lo ngại về khả năng tiền lương tiếp tục tăng mạnh và khiến lạm phát thậm chí còn lên cao hơn.

Các nhà kinh tế bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát cuối cùng sẽ bắt đầu giảm bớt vào năm tới khi các nước ngăn chặn được đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lạm phát nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức cao trong suốt mùa Đông. Thời tiết mùa Đông ảm đạm có thể khiến người tiêu dùng chuyển thêm nhiều chi tiêu từ các dịch vụ - vốn chưa phục hồi về mức trước đại dịch - sang lĩnh vực hàng hóa./.