Mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tiếp tục được nhân rộng trong vụ lúa Đông Xuân 2024-2025

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" sẽ được nhân rộng ở 65 mô hình trên diện tích khoảng 3.344ha trong vụ lúa Đông Xuân 2024-2025.

Theo đó, từ kết quả mô hình trình diễn ở vụ Hè Thu 2024 và Thu Đông 2024 tại 5 tỉnh, thành phố, mô hình trình diễn thí điểm, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025 được thí điểm ở 65 mô hình trên diện tích khoảng 3.344ha, với kinh phí từ nhiều nguồn gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nguồn vốn ngân sách địa phương.

chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-2-1730344679.jpg
Năm 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 5 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. (Ảnh minh họa)

Dự kiến, lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2024-2025 từ tháng 10-12/2024. Các tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Năm 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 5 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao (Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp). Trong vụ Hè Thu 2024, chỉ có tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích 196ha. Sang vụ Thu Đông 2024, đã có 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích trên 156ha.

Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, năng suất lúa bình quân trên 1 ha của các mô hình thí điểm ở vụ hè-thu cao hơn bên ngoài từ 8-10%, giá bán lúa cũng hơn 300 đồng/kg. Nông dân lãi từ 3-5 triệu đồng/ha, cao hơn trước kia 10-15%. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay số diện tích tham gia đăng ký ngày một tăng, sau khi được “mắt thấy, tai nghe” về những hiệu quả mà mô hình thí điểm mang lại. Trong vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 210 ha sản xuất lúa theo đề án này. Dự kiến những vụ tiếp theo, sẽ tiếp tục nhân rộng lên phạm vị toàn thành phố.

chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-3-1730344709.jpg
Mô hình “canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải” tại HTX Thuận Tiến ở Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ).

Để thực hiện thành công vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước trong vụ Đông Xuân để chủ động sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn, thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Các địa phương chú ý theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa, tập trung gieo sạ vụ Thu Đông sớm, lưu ý đến lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2024-2025.

chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-4-1730344787.jpg
Tham gia canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, lợi nhuận của nông dân theo đó cao hơn mô hình bên ngoài từ 3,9-7,3 triệu đồng/ha.(Ảnh minh họa)

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo và bám sát việc thực hiện các mô hình theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, tổ chức sản xuất cơ giới hóa đồng bộ bao gồm các khâu: làm đất, san phẳng mặt ruộng, gieo sạ, phun thuốc, thu hoạch, thu gom rơm ra khỏi ruộng... đồng thời đánh giá, rà soát quy trình canh tác trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các mô hình điểm.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục đào tạo, tập huấn cho đại diện cán bộ quản lý, kỹ thuật, cán bộ trẻ thí điểm làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp, thành viên của một số tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia; hỗ trợ hợp tác xã áp dụng phần mềm nhật ký sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý hợp tác xã.

chuyen-canh-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-2-1730344679.jpg
Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được nhân rộng trên diện tích khoảng 3.344ha. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, 12 tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký tham gia đề án này. Các địa phương đều muốn tăng diện tích sản xuất vào vụ Đông Xuân tới, từ 186 ha sẽ tăng lên trên 3.300 ha. Nếu các tỉnh đẩy nhanh tốc độ, thực hiện theo đúng đăng ký ban đầu từ vụ Đông Xuân 2024-2025, thì dự kiến đến cuối năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 180.000 ha áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải.

“Một trong những mục tiêu của Đề án là nhằm giảm chi phí đầu vào khoảng 20%, tương đương 9.500 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa có thể tăng thêm khoảng 10%, thu về khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy, với 2 yếu tố trên, ngành lúa sẽ có thêm 16.500 tỷ đồng/năm”, ông Tùng cho biết thêm./.

Báo cáo sơ kết từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, vụ Hè Thu và Thu Đông vừa qua có 5 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia mô hình thí điểm, gồm: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang. Bước đầu các mô hình đều cơ bản đạt được tiêu chí của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Tại 7 mô hình thí điểm với 186 ha đã cho năng suất trên 64 tạ/ha, cao hơn bên ngoài 4,6 tạ/ha. Lượng giống gieo sạ giảm đến 40%, lượng phân bón cũng giảm từ 30-40% và tiết kiệm được 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Lợi nhuận của nông dân theo đó cao hơn mô hình bên ngoài từ 3,9-7,3 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, các mô hình thực tế đã chứng minh, khi nông dân áp dụng biện pháp canh tác tưới ngập khô xen kẽ đã giúp giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha so với việc để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 2 tấn CO2 tương đương/ha so với mô hình để nước ngập liên tục và mang rơm ra khỏi đồng. Rõ ràng, đề án này bước đầu đã hoàn thành được 2 mục tiêu đặt ra là tăng lợi nhuận và giảm phát thải.

Bình Nguyên (Tổng hợp)