Mẹ vất vả “dựng nghề”
Theo lời giới thiệu của chị Dương Thị Niên (Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) về mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, “làm chủ” gia đình ở địa phương “Nhắc tới mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi của phường Hải Ninh thì không ai vượt qua được trường hợp chị Trần Thị Tới (người ở tổ dân phố Hồng Kỳ), trải qua nhiều nghề với những bước thăng trầm, cho đến nay chị đã có cho mình khối tài sản mà nhiều người mơ ước. Hiện, chị Tới đang tập trung phát triển nghề nước mắm truyền thống và đã đạt được những thành quả bước đầu và được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện hoàn tất hồ sơ đề xuất đăng ký sản phẩm OCOP”.
Nhiệt tình đưa PV tới nhà nhân vật tiêu biểu, làm kinh tế giỏi, chị Niên tiếp lời: Trước đây công việc làm mắm chủ yếu do bà Khâm (mẹ chị Tới) làm - người có thâm niên hơn 40 năm trong nghề và cũng là một trong số ít người đưa được sản phẩm nước mắm Hải Ninh ra thị trường và được khách hàng tin dùng. Nổi tiếng trong nghề nước mắm truyền thống với thâm niên thuộc diện “lão làng”, nhưng ít ai biết rằng bà Khâm chủ thương hiệu nước mắm “bà Khâm” lại không phải người gốc Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia cũ). Mà là người huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), lấy chồng về đây, thấm cảnh cuộc sống vất cả từ bé nên bà Khâm luôn cần cù, chịu khó lăn lộn nơi đầu sóng, ngọn gió để kiếm cái ăn, cái mặc. Cho đến khi sự nghiệp đang mùa nợ rộ thì bà lại ra đi…!
Chia sẻ về mẹ, chị Tới kể: Số mẹ tôi vất vả từ tấm bé, lấy chồng về đây cũng nào có được ngơi tay. Ngay cả khi công việc có nguồn thu nhập ổn định, bà vẫn cứ lủi thủi với những mắm, muối… Ngày tôi còn nhỏ, cuộc sống của cả gia đình mấy miệng ăn đều nhìn vào vại mắm, gánh hàng của mẹ. Vốn là người mạnh mẽ, lại chịu khó nên từ những vại mắm nhỏ, bà bắt đầu gây dựng và mở rộng dần. Các bạn hàng cũng nhiều lên và có những mối làm ăn lớn hơn, từ đó mà tạo dựng được cơ sở như ngày nay.
“Mẹ tôi lăn lộn cả một đời vất vả là vậy, hồi gia đình khó khăn thì cố gắng làm lụng chăm lo cho gia đình giành dụm vốn liếng làm ăn. Đến lúc gia đình có chút điều kiện lại lo công việc nhiều hơn với đối tác, bạn hàng làm ăn lớn, cuộc sống cứ bộn bề như vậy chưa kịp thụ hưởng thì bà ra đi đột ngột vì căn bệnh tim quái ác…!” Nhớ đến người đã “khai sinh” ra thương hiệu nước mắm truyền thống bà Khâm, chị Tới không khỏi xúc động.
Con gái nối nghiệp
Khác với mẹ, chị Tới được “sinh ra từ biển”, lớn lên với muối mặn và cá mắm cùng sự thương yêu của mẹ. Có được vốn kinh nhiệm thương trường, lại được kế nghiệp tâm huyết cả đời của mẹ. Hiện, chị Tới đang làm chủ một cửa hàng bán hải sản, cung ứng cho thị trường khu vực phía bắc và 2 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của mẹ để lại.
Sau khi mẹ mất đầu năm 2023, chị Tới đã gác lại những đau buồn cùng chồng bắt đầu vực lại công việc dựa trên các mối hàng và giữ vững thị trường trước đây từ mẹ như: Nhà máy nước mắm Thanh Hương; ngoài ra các thị trường phía bắc và đặc biệt là Hà Nội cũng tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm của gia đình.
Chị chia sẻ: “Hiện tại gia đình đang tính đến chuyện cải tạo lại 2 cơ sở sản xuất nước mắm và để tiếp cận được nhiều hơn với người tiêu dùng. Định hướng sắp tới, ngoài việc đảm bảo chất lượng giữ vững thương hiệu và các mối hàng, sẽ tiếp tục đổ sỉ nhiều nơi, đồng thời mở rộng mô hình kinh doanh thiết lập siêu thị hải sản khu vực Bắc Nghi Sơn, đưa sản phẩm tốt và an toàn nhất đến với người tiêu dùng…!”
Được đánh giá là mô hình làm kinh tế điểm của phường Hải Ninh: Mỗi năm nguồn hàng xuất đi tới 1000 tấn mắm cá (trong đó, riêng nhà máy nước mắm Thanh Hương tiêu thụ 700 tấn/năm), mắm tôm và mắm chua trên 150 tấn hàng. Nguồn thu của gia đình ước đạt 2-3 tỷ/ năm. Lao động chính là 5 người với thu nhập ổn định từ 7- 10 triệu/ tháng, ngoài ra thì tùy theo mức độ biến động của nguồn hàng sẽ có thêm từ 10- 15 lao động mùa vụ.
Cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tiếp bước mẹ mình trong việc phát triển kinh tế, bản thân chị Tới tham gia nhiệt tình trong công tác HPN phường Hải Ninh hỗ trợ được nhiều hội viên trong cuộc sống. Cũng từ đó, chị đã bắt đầu gặt hái cho mình những “quả ngọt” đầu mùa, khi được nhận bằng khen của TW hội năm 2022.
Chia sẻ thêm về HPN phường Hải Ninh, chị Dương Thị Niên cho biết: Sau khi sáp nhập phường Hải Ninh và xã Triều Dương thành phường Hải Ninh, số hội viên phường tăng lên trên 5000 hội viên với 13 chi hội, mặc dù số hội viên đông nhưng luôn giữ được tinh thần đoàn kết nên mọi khó khăn đều được các hội viên đồng lòng giải quyết.
Khởi đầu thành công với mô hình thu gom phế liệu góp quỹ hỗ trợ những hội viên khó khăn, phát triển thành mô hình “ngôi nhà xanh”. Hiện tại HPN phường đang xây dựng tiếp chương trình tủ áo dài (ai cần đến lấy và ai có thì hỗ trợ) rất hữu ích cho công tác hoạt động của hội. Hiện hội đang vận động đến các chi hội chương trình đỡ đầu cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, các cháu mồ côi./.