Đưa mận hậu Sơn La vào suất ăn hàng không Việt Nam

Hơn 1 tấn mận hậu của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu vừa được Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam thu mua để đưa vào suất ăn tại các chuyến bay.

Đây là sản phẩm quả thứ 2 của Sơn La (trước đó là nhãn) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách trên các chuyến bay, góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.

Quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản mận đều đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện của thị trường trong nước, xuất khẩu.

man-hau-1146-1686557508.jpg

Mận Sơn La được thu mua để đưa vào các suất ăn hàng không của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - ông Nguyễn Thành Công cho biết, quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản nông sản chủ lực của Sơn La nói chung, sản phẩm mận nói riêng đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện của thị trường trong nước, xuất khẩu. "Việc sản phẩm mận Sơn La được trở thành suất ăn trên các chuyến bay là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản của Sơn La', ông Công chia sẻ.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có gần 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng trên 452.000 tấn/năm; trong đó, diện tích mận hậu trên 12.300 ha, sản lượng gần 90.000 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.

Nhãn hiệu "Mận Sơn La" đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021 với một số sản phẩm chất lượng cao như: Mận Pu Nhi, huyện Sông Mã; mận Ruby, huyện Mộc Châu và mận Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Thi Nguyên (t/h)