Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng vp luật sư Trung Hòa cho biết: Giấy phép xả thải là một trong các loại giấy phép về môi trường quan trọng mà các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… có hoạt động xả thải vào nguồn nước phải có. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2022, các giấy phép xả thải hết hạn sẽ không được gia hạn nữa. Luật Bảo vệ Môi trường đã quy định tích hợp 7 loại giấy phép môi trường thành phần, trong đó có giấy phép xả thải thành 1 loại giấy phép chung, gọi là Giấy phép môi trường.
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 30, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Điểm a, Khoản 3, Điều 44 Luật Bảo vệ Môi trường thì các dự án, cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị xin cấp Giấy phép môi trường trước khi giấy phép xả thải hết hạn 6 tháng. Như vậy, nếu giấy phép xả thải hết hạn thì doanh nghiệp sẽ không được ra hạn nữa mà phải làm hồ sơ xin cấp Giấy phép môi trường theo quy định mới của Luật Bảo vệ Môi trường.
Do đó, 18 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã bất chấp pháp luật, ngang nhiên xả thải ra công trình thuỷ lợi khi giấy phép xả thải đã hết hạn cấp phép (theo công văn số 1929/SNN-CCTL của Chi cục Thuỷ lợi) hoặc chưa được cấp phép mà không để nghị xin cấp Giấy phép môi trường trước khi Giấy phép xả thải hết hạn 06 tháng là vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, trừ những trường hợp cá nhân, tổ chức cho xả nước thải với quy mô nhỏ và không có chứa các loại hóa chất gây hại, chất gây phóng xạ thì mới không cần giấy phép xả thải, nhưng nếu tổ chức cá nhân không có giấy phép xả thải vào nguồn nước thì sẽ có mức xử phạt khác nhau, hình thức xử phạt căn cứ theo quy định tại Điều 19 Nghị định 33/2017/NĐ-CP.
Hành vi xả nước thải ra môi trường ngoại trừ bị xử phạt hành chính thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất đối với cá nhân là 07 năm tù giam còn đối với pháp nhân có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng và cấm hoạt động vĩnh viễn.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước.
Việc doanh nghiệp chấp hành quy định về xả thải vào nguồn nước rất kém. Doanh nghiệp phải được cơ quan chức năng cấp phép mới được xả thải vào nguồn nước. Vì vậy, ngoài những biện pháp xử lý đối các doanh nghiệp xả thải ra môi trường khi chưa được gia hạn giấy phép thì Doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm nước thải đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường.
Luật sư Hoàng Tùng cũng chỉ ra một số giải pháp giúp các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát các doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Theo đó, Sở TN&MT Bắc Ninh cần duy trì hoạt động tổ công tác về thực hiện kế hoạch cấp phép xả nước thải; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ cấp phép.
Cơ quan chức năng cần hỗ trợ và gỡ các vướng mắc kịp thời đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn về diện tích, sự cố về hệ thống xử lý nước thải.
Sở TN&MT Bắc Ninh nên đăng tải công khai danh sách những doanh nghiệp xả nước thải ra môi trường chưa có giấy phép xả thải trên các phương tiện thông tin đại chúng để chính quyền địa phương và người dân cùng tham gia giám sát việc xả thải của doanh nghiệp.
Tỉnh Bắc Ninh cần khẩn trương xây dựng hệ thống quan trắc tự động nguồn nước trên địa bàn thành phố để có sự giám sát, cảnh báo kịp thời những diễn biến môi trường nước, phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Với các doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xả nước thải, nếu phát hiện hành vi xả thải không phép, xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu đóng cửa, tạm đình chỉ và đình chỉ sản xuất của doanh nghiệp.
Còn luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Hành vi cố tình vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp trong bối cảnh vấn nạn ô nhiễm môi trường đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm là hết sức nghiêm trọng. Các doanh nghiệp này đang vì lợi nhuận bất chính mà sẵn sàng đầu độc nguồn nước một cách ngang nhiên, trắng trợn.
Theo điều 235, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, các chế tài cụ thể từ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu vi phạm nặng hơn sẽ bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Để xác định rõ 18 doanh nghiệp trên vi phạm pháp luật về môi trường ở mức độ nào, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh cần xem xét khởi tố vụ án để làm rõ. Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố các bị can liên quan.
Sở NN&PTNT chỉ ra 18 doanh nghiệp xả thải ra công trình thuỷ lợi đã hết hạn cấp phép:
Tại TP Từ Sơn: Công ty Cổ phần và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long (điểm xả - Kênh tiêu 6) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Tiên Du: Công ty Cổ phần tập đoàn C.E.O (điểm xả - Kênh tiêu Trịnh Xá) hết hạn giấy phép
Tại huyện Quế Võ: Công ty cổ phần VIEPAC và Công ty cổ phần tập đoàn DABACO (điểm xả - đều tại Kênh tiêu Kim Đôi 7) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Yên Phong: Công ty đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera (điểm xả - Kênh tiêu chính trạm bơm Vạn An - Đặng Xá) hết hạn giấy phép.
Tại huyện Thuận Thành: Công ty CP KCN Khai Sơn; Công ty CP dịch vụ kỹ thuật KVC (điểm xả - Kênh tiêu Sông Đông Côi - Đại Quảng Bình) và Công ty TNHH&Thương mại quốc tế Việt Sinh (điểm xả - Kênh G2) hết hạn giấy phép.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (điểm xả - Kênh G16); Công ty TNHH Phát triển nhà đất Shun - Par (điểm xả - Cống tiêu Ngọ Xá); Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (điểm xả ra Kênh tiêu L6) và Công ty Thực phẩm Farina (điểm xả - Tại K1+500, bờ tả kênh tiêu S5 ra sông dâu) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Gia Bình: Công ty CP TM và VLXD Phú Bình (Xã Quỳnh Phú); Bệnh viện Đa Khoa Gia Bình (điểm xả - Kênh tiêu N9); Công ty cổ phần xốp 76; Công ty CP Đông Bình (Thị trấn Gia Bình) (điểm xả - Hệ thống thoát nước Thị trấn ra kênh tiêu N9) đều hết hạn giấy phép.
Tại huyện Lương Tài: Công ty TNHH MTV DHA (điểm xả - Hồ thủy lợi Táo đôi Thôn Bùi TT Thứa) hết hạn giấy phép.
Đặc biệt, Công ty ống thép Hoà Phát xả thải ra kênh C2 thậm chí còn chưa có giấy phép xả thải.