Vĩnh Phúc: Công Ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam xả thải chưa qua xử lý ra môi trường

Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, hơn 20 năm hoạt động tại KCN Khai Quang – Vĩnh Phúc, không ngừng mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới, tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động. Nhưng trái ngược lại với quy mô, công ty lại vướng không ít lùm xùm về quy trình xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường.

Tập đoàn Shinwon là một trong những tập đoàn may mặc lớn nhất của Hàn Quốc. Hiện nay tập doàn có 02 nhà máy tại Việt Nam (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên), có 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Nhà máy tại Vĩnh Phúc: Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam hoạt động ngày 22/02/2002, có mã số thuế 2500214204 đăng ký tại Cục Thuế Tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty hiện đang sản xuất các mặt hàng thời trang cho các thương hiệu lớn: Gap, Walmart, Target... Người đại diện cho công ty là Kwon Yong Teak.

1618801559-187533856-d-an-nha-may-s-n-xu-t-cong-ty-tnhh-shinwon-ebenezer-vi-t-nam-750x500-1671514364.jpg

Công ty Shinwon Ebenezer - KCN Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Theo quy định, một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn đòi hỏi phải lưu giữ nước thải trong một thời gian nhất định để xử lý triệt để. Đối với các phương pháp xử lý hóa học, thời gian lưu có thể là nhiều giờ; còn với các phương pháp xử lý sinh học thì thời gian lưu cần phải nhiều ngày. Thời gian lưu càng lâu đòi hỏi bể chứa có thể tích càng lớn, diện tích mặt bằng càng rộng, nghĩa là càng tốn kém. Để "tiết kiệm", các cơ sở sản xuất giảm thời gian lưu, hệ quả là nước thải không đạt tiêu chuẩn an toàn khi xả ra môi trường. Nếu bị phát hiện thì cơ sở chỉ vi phạm "nhẹ" là "xử lý nước chưa đạt".

z3973637569703-ddd0490761e33ac846c4331a6133733c-1671514187.jpg

Hệ thống xả thải nhìn từ trên cao của Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam

Một số doanh nghiệp lắp đặt cùng lúc hai hệ thống ống xả thải. Một hệ thống hoạt động công khai, một hệ thống hoạt động "ngầm". Đây là cách làm của nhiều nhà máy, xí nghiệp diệt may, mà điển hình là Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam có địa chỉ tại CN14, KCN Khai Quang, Tp Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc. Nằm cách bờ tường rào Công ty khoảng 5m là hệ thống ống xả ngầm và đây là hệ thống xả chính của nhà máy.

Chị H.T.T (Người dân ở khu vực này) bày tỏ: “Những hôm công ty hoạt động nhiều thì nước thải ra ào ào, mang theo mùi hôi rất khó chịu. Việc làm này diễn ra từ rất lâu, nhưng không bị phát hiện do họ có hệ thống xả đạt chuẩn và Giấy phép xả thải theo qui định để qua mắt ngành chức năng. Còn người dân chúng tôi thì nắm rõ lắm.!)

thiet-ke-chua-co-ten-1-1671514072.jpg

Giấy phép xả thải vào nguồn nước số 2497/GP-UBND - UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép 12/09/2017

Được biết, tại Giấy phép xả thải vào nguồn nước số 2497/GP-UBND cấp ngày 12/09/2017; do Ông Vũ Chí Giang - Phó chủ tịch UBND Tỉnh Vĩnh Phúc, ký có thời hạn 05 năm kể từ ngày ký cho phép Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam được xả thải vào nguồn nước đã hết hạn vào ngày 14/09/2022. Kể từ thời điểm đó Công ty chưa được cấp lại Giấy phép xả thải. Việc xả thải trực tiếp vào nguồn nước mà không qua hệ thống xử lí là việc làm rất nguy hại, bởi nước thải bẩn kèm theo hóa chất độc hại sẽ thấm dần vào lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sản xuất của người dân.

Trao đổi với PV Doanh nghiệp & Kinh tế xanh, Ông Kiên Trưởng phòng hạ tầng Ban quản lý KCN Khai Quang cho biết: Việc Công ty Shinwon Ebenezer Việt Nam được cấp phép xả thải trực tiếp vào nguồn nước theo Giấy phép của Sở Tài Nguyên Môi Trường và UBND Tỉnh Vĩnh Phúc cấp, không thuộc về  Phòng Hạ tầng Ban quản lý KCN Khai Quang quản lý. Công Ty Shinwon Ebenezer Việt Nam cũng không có văn bản xin đấu nối hệ thống nước thải vào hệ thống xử lí nước thải chung của Hạ tầng Ban quản lý KCN Khai Quang. Khôi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch là rất cấp bách, song không thể không tính đến môi trường. Bản thân doanh nghiệp và các nhà quản lý cần chúng tay vì sự phát triển bền vững.

Doanh nghiệp & Kinh tế xanh tiếp tục thông tin./.

Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại điều 11 khoản 2 quy định:

Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15,29,30,31,35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp giấy phép để được xem xét, giải quyết trong trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp theo quy định; nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường không đúng thời hạn quy định;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công khai giấy phép môi trường theo quy định;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ một trong các nội dung của giấy phép môi trường theo quy định, trừ các trường hợp; vi phạm quy định về quan trắc môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e và g khoản này;

d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm hoặc không cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải theo quy định trong trường hợp báo cáo số liệu không đúng thực tế ô nhiễm hoặc trong trường hợp có vi phạm về hành vi xả nước thải, bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường;

đ) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không chính xác, không trung thực thông tin về kết quả hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào vận hành thử nghiệm theo quy định; không thực hiện việc cấp đổi; cấp điều chỉnh giâý phép môi trường theo quy định; không thực hiện nội dung của giấy phép môi trường theo quy định, trừ các trường hợp: vi phạm quy định về quan trắc môi trường phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải và trường hợp quy định tại điểm a, b, c, e và g khoản này;

e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;

g) Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;

h) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

 

Hoàng Hà