Algeria là một quốc gia có diện tích lớn nhất Châu Phi, nằm ở khu vực Bắc Phi và có nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Phi, với tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 là 145,2 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đạt khoảng hơn 44 tỷ USD, tương đương 15 tháng nhập khẩu. Dân số Algeria tương đối đông, hơn 44 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2020 là 3.310 USD với sức mua khá lớn.
Ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria cho biết: “Những năm gần đây, Algeria chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu song đây vẫn là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam. Thị trường Algeria có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản nước ngọt, những sản phẩm mà nước này không sản xuất được”.
Mặc dù, là một thị trường đầy tiềm năng và là cửa ngõ quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và hợp tác thương mại với các nước Châu Phi nhưng thương mại song phương giữa Việt Nam và Algeria vẫn còn khiêm tốn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 300 triệu USD năm 2017, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 281 triệu USD. Do tác động của đại dịch Covid-19 và chính sách hạn chế nhập khẩu của Algeria, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang thị trường này chỉ đạt 153 triệu USD, với các mặt hàng chính là cà phê nhân xanh (56.545 tấn, kim ngạch 99,68 triệu USD), gạo, hạt điều nhân, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu, quế, cá tra filet, đồ gỗ… Trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 30,6 triệu USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria, cà phê chiếm 65% tổng giá trị xuất khẩu. Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai gần đây cũng là mặt hàng xuất khẩu số 1 vào thị trường này.
Tiếp đến là mặt hàng gạo, mỗi năm Algeria nhập khẩu 100.000 tấn gạo chủ yếu là gạo 5% tấm, gạo đồ, phục vụ cho người Châu Á sinh sống và làm việc tại Algeria. Gạo là mặt hàng được trợ giá nên thuế nhập khẩu khá thấp so với mặt bằng chung, chỉ 16%. Thủy hải sản cũng nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria. Ngoài ra, các loại gia vị như hạt tiêu, quế cũng là những loại nông sản có nhu cầu cao tại Algeria cùng với hạt điều nhân.
Khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Algeria, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về thị trường cũng như các chính sách về thuế quan, luật lao động, phương thức thanh toán, tranh chấp, việc thu hồi nợ… Nhằm tăng cường công tác thông tin thị trường cho doanh nghiệp, trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Algeria sẽ phối hợp tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria diễn ra ngày 19/4/2022 tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại phiên tư vấn, các chuyên gia, báo cáo viên của chương trình sẽ hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Algeria đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... từ đó doanh nghiệp và nhà sản xuất áp dụng và tuân thủ, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm… sang thị trường Algeria.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: “Phiên tư vấn sẽ là diễn đàn để các doanh nghiệp Việt Nam tham vấn, thảo luận những vấn đề cụ thể của doanh nghiệp với các chuyên gia, báo cáo viên của chương trình để tìm ra những biện pháp tối ưu hóa hiệu quả tiếp cận và phát triển thị trường Algeria của doanh nghiệp Việt Nam”.
Được biết, phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Algeria là phiên thứ 7 trong chuỗi 30 phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức trong năm 2022.