Lo ngại giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng theo xăng

Ghi nhận sau ngày đầu điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu, hôm nay 22/2 thị trường hàng hóa tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn ổn định và chưa có dấu hiệu tăng giá. Mặc dù số lượng xăng, dầu nhập khẩu khá lớn và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhưng nhiều người dân tại Tp. Hồ Chí Minh vẫn dự báo giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo những mặt hàng khác tăng giá. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Anh Thành Toàn, chủ doanh nghiệp kinh doanh văn phòng phẩm, in ấn tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, tuy mỗi lít xăng chỉ tăng gần 1.000 đồng, nhưng ngoài tác động trực tiếp đến vấn đề đi lại hàng ngày của người dân, còn ảnh hưởng mạnh đến lĩnh vực vận chuyển, giao nhận hàng hóa. Bên cạnh đó, xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt nên khi biến động sẽ tác động đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực như nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí thuê nhân công...

Còn ở góc độ người tiêu dùng, chị Ánh Nguyệt, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, người dân thành phố vừa trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nên việc mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gặp khó khăn và có thời điểm phải mua với giá cao. Hiện nay, giá xăng lại tăng không ngừng từ đầu năm 2022 đến nay, trong khi thu nhập của người dân bị giảm sút và chưa phục hồi, sẽ dẫn đến nhiều gia đình gặp thách thức về tài chính.

Tương tự, một số người dân khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mặc dù, nỗ lực không ngừng trong tiết kiệm mua sắm và chi tiêu hàng ngày, nhưng kinh tế chưa phục hồi như kỳ vọng, nên việc tăng thu nhập của người lao động rất chậm và khó cải thiện. Ngoài ra, họ mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ sớm có những cơ chế bình ổn giá kịp thời để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và hạn chế việc biến động giá của những mặt hàng đặc biệt như xăng, dầu tác động đến đời sống người dân.

Riêng một số nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh ứng dụng gọi xe công nghệ cho hay, tính đến thời điểm này chưa điều chỉnh giá cả hàng hóa tiêu dùng dùng thiết yếu, giao nhận, vận chuyển... Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, bám sát thị trường để có phương án ứng phó phù hợp với diễn biến mới. 

Phân tích cụ thể, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch Tp. Hồ Chí Minh đánh giá, du lịch sẽ mở cửa từ ngày 15/3 là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp vận tải, nhưng giá xăng, dầu liên tục tăng và lập đỉnh đã tạo áp lực cho lĩnh vực này. Dự báo, trong thời gian tới giá cước vận tải có xu hướng điều chỉnh tăng, nhưng có độ trễ nhất định so với việc điều chỉnh giá xăng, dầu và doanh nghiệp cũng sẽ linh hoạt giải pháp để hạn chế việc tăng giá.

Hiện tại, chi phi xăng, dầu chiếm 25%, 30% và 40%, tùy loại phương tiện vận chuyển hàng hóa hay hành khách, tuyến cố định hay hợp đồng. Vì vậy, khi xăng, dầu tăng giá thì doanh nghiệp buộc phải tăng cước phí để đảm bảo hoạt động được duy trì ổn định.

af1f42ac-ef0f-4e53-b597-4f47ef4241ad-ricy-1645532104.jpeg
Ảnh minh hoạ

Trước đó, ngày 21/2, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng lần thứ 5 liên tiếp. Trong đó, giá xăng RON95 tăng 965 đồng/lít, có giá bán 26.287 đồng/lít; còn  giá xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít, có giá bán không cao hơn 25.532 đồng/lít.

Những mặt hàng dầu cũng tăng giá tại kỳ điều hành này, như dầu diesel tăng 940 đồng/lít, dầu hỏa tăng 750 đồng/lít còn dầu mazut tăng 280 đồng/kg. Sau điều chỉnh, dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg. Tại kỳ này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON95, E5RON92 và diesel ở mức 100-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg.

Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 21/2, hiện chỉ có khoảng 5 cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn thành phố tạm ngưng kinh doanh. Những cửa hàng này tạm ngưng kinh doanh với lý do sửa chữa, sang nhượng, đổi chủ...

Ngoài ra, qua kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, có 22 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh thiếu xăng RON95 để bán. Tuy nhiên, những cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.

Trong bối cảnh giá cả và nguồn cung xăng, dầu đang biến động mạnh trên thị trường, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn thành phố. Với những cửa hàng xăng, dầu kinh doanh hạn chế 30.000-50.000 đồng/lượt khách, lực lượng kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, ghi nhận và xử lý theo quy định pháp luật.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, một số đại diện cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, lý giải việc kinh doanh hạn chế số lượng là do nguồn cung có xu hướng thiếu hụt, nếu duy trì bán với số lượng lớn có thể bị đứt hàng cục bộ và tạm ngưng kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi làm việc với lực lượng kiểm tra liên ngành, đại diện các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu cũng đã cam kết khắc phục khó khăn và hoạt động bình thường.

Thống kê của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong thời gian qua, số lượng cửa hàng đang kinh doanh xăng, dầu có tình trạng thiếu xăng hoặc giảm lượng bán chỉ chiếm 2% trong tổng số 548 cửa hàng kinh doanh xăng, dầu của thành phố. Qua hơn nửa tháng 2/2022, tổng lượng nhập khẩu xăng, dầu hiện nay là 800.000 m3, so với bình thường là 500.000 m3/tháng.

Bên cạnh vấn đề tăng giá mạnh, xăng và dầu trong nước đang gặp thách thức về nguồn cung, nhất là tại các tỉnh phía Nam đã xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu cục bộ. Để đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành; trong đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, triển khai các giải pháp để đảm bảo nguồn cùng xăng, dầu, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành xăng dầu./.