Livestream sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok - Đa dạng hình thức xúc tiến thương mại

Ngày 22/7 vừa qua, hơn 40 sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ đã được Livestream quảng bá và bán trên nền tảng TikTok trong Chương trình “Chợ phiên OCOP - Về miền Đất Tổ”.

Hình thức xúc tiến thương mại trên nền tảng TikTok góp phần mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chương trình “Chợ phiên OCOP - Về miền Đất Tổ” do các nhà sáng tạo nội dung trên trên nền tảng TikTok (Tiktoker) đã hội tụ để Livestream (phát trực tiếp) giới thiệu, quảng bá và mở bán trên 40 OCOP của tỉnh như: Thịt chua Trường Foods, chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, bún gạo Hùng Lô, tương Hoa Lúa, rau sắn muối chua Liên Gia Trang... với giá ưu đãi để kích cầu tiêu dùng.

cho-phien-1690335788.jpg
Livestream sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok – đa dạng hình thức xúc tiến thương mại của tỉnh Phú Thọ

Tham gia chương trình, các Tiktoker là các diễn viên, chuyên gia xây dựng thương hiệu và bán hàng trực tuyến; nhà sáng lập và điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods - Thương hiệu thịt chua tiêu biểu của Phú Thọ và các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng... sở hữu các tài khoản Tiktok có lượt người theo dõi cao như: Hoa Thịt Chua, Hoàng Kim Ngọc, Vũ Thị Diệu Thúy, Huyền Trang uy tín, Đàm Đức, Bảo Ngọc Aerobic, Hạnh Tây Bắc TV, Vũ Trà My…  livestream.

Chương trình đã giới thiệu và bán hơn 40 sản phẩm nông sản của 6 chủ thể tiêu biểu, đại diện cho tỉnh là: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn; Công ty TNHH Một thành viên Hoa Lúa xã Cao Xá, huyện Lâm Thao; Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba; Công ty TNHH Maika Food, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy; HTX Liên Gia Trang, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê và HTX Mì gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

san-pham-ocop-1690335815.jpg
Các sản phẩm tham gia Livestream trên nền tảng TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung sử dụng trang phục truyền thống độc đáo, lối diễn xuất dí dỏm, hài hước và nội dung truyền tải hấp dẫn để cung cấp tới khán giả những thông tin về sản phẩm, quy trình sản xuất, cách sử dụng và chế biến nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như “cái duyên” bén với nghề, câu chuyện về văn hóa kết tinh, lịch sử hình thành trong từng sản phẩm đặc sản vùng Đất Tổ. Đặc biệt, tại chương trình, khách hàng có thể mua sản phẩm ưu đãi với giá 1.000 đồng/sản phẩm; 9.000 đồng/sản phẩm và các chương trình khuyến mãi mua hai tặng bốn và chính sách giao hàng miễn phí tại nhà.

Là một trong những người sáng tạo nội dung sẽ tham gia chương trình “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ”, cô gái Mường Nguyễn Thị Thu Hoa – Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods, tiền thân là cơ sở sản xuất thịt chua Nghị Thịnh ở thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn sẽ trực tiếp giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến với người tiêu dùng.

tiktok-1690335843.jpg
Tiktoker Nguyễn Thị Thu Hoa hiện đang sở hữu tài khoản Tiktok Hoa Thịt Chua có hơn 296 nghìn lượt người theo dõi

Nguyễn Thị Thu Hoa hiện đang sở hữu tài khoản Tiktok Hoa Thịt Chua có hơn 296 nghìn lượt người theo dõi, các video đăng tải của chị đều có số lượt người xem cao. Theo chia sẻ từ Tiktoker Hoa Thịt Chua: Trong chương trình lần này, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods tham gia giới thiệu, quảng bá các sản phẩm như: Thịt chua vị truyền thống, thịt chua tỏi ớt, đặc sản thịt muối, cá thính... Các sản phẩm đều tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn nguyên liệu đầu vào và toàn bộ quá trình chế biến.

Thông qua chương trình, Livestream “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ” tôi mong muốn sẽ quảng bá, giới thiệu được các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung và sản phẩm của Công ty Trường Foods nói riêng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, nét riêng biệt, độc đáo của vùng Đất Tổ đến gần hơn với người tiêu dùng.

Không chỉ dừng lại ở việc Livestream bán các nông sản OCOP tiêu biểu của tỉnh trên nền tảng Tiktok, các nhà kết nối sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ bà con kinh doanh nông sản trực tuyến các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình lập gian hàng, thiết lập kênh bán hàng để chủ thể sản xuất có thể tự kinh doanh, vận hành cửa hàng trực tuyến, tìm ra được hướng đi mới dài hạn cho việc quảng bá và kinh doanh nông sản tại địa phương. Ngoài ra, thông qua việc thiết lập kênh giới thiệu nông sản trên nền tảng xã hội bà con nông dân cũng góp phần quảng bá về văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương mình tới mọi miền Tổ quốc.