

"Được mùa, mất giá" là một trong những vấn đề gây nhức nhối cho ngành nông nghiệp nước ta suốt nhiều năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người nông dân mà còn tác động tới sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
Việc sản xuất nông nghiệp còn theo hướng tự phát, chạy theo xu hướng là lý do phổ biến nhất dẫn tới tình trạng này. Do thói quen chạy theo trào lưu, thấy loại nông sản nào đang được nhiều người ưa chuộng, quan tâm thì trồng với mong muốn bán được giá, nhiều nông dân thường xuyên thay đổi loại cây trồng. Các loại nông sản ngắn ngày, dễ trồng và nhanh cho thu hoạch cũng được nông dân đặc biệt ưa chuộng. Vì thế, đã dẫn tới tình trạng cung lớn hơn cầu, sản lượng nông sản tăng cao nhưng thị trường không đủ sức tiêu thụ.
Hàng năm, cứ sau mùa thu hoạch nông sản, không khó để bắt gặp hình ảnh những thùng xe tải chất đầy nông sản được thương lái hoặc chính bà con nông dân bày bán tràn lan ở các lề đường. Những cuộc “giải cứu” này không chỉ gây mệt mỏi cho người nông dân mà cũng làm cho người tiêu dùng không kém phần đau đầu. Với mong muốn ủng hộ nông sản Việt, nhiều người sẵn sàng giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ nông sản thừa. Tuy nhiên, có những trường hợp chất lượng không đi đôi với số lượng, khiến người tiêu dùng cũng có phần e ngại.

Với tư duy sản xuất kiểu truyền thống, người nông dân vẫn đang phải chật vật tìm giải pháp cho vấn đề này. Phần lớn bà con nông dân vẫn đang lựa chọn cách tiếp cận thị trường theo hướng đơn giản nhất. Họ thường chỉ dựa vào kinh nghiệm sẵn có và trông chờ vào các thị trường quen thuộc, chưa mạnh dạn tìm kiếm các thị trường mới cũng như thiếu đầu tư cho việc nghiên cứu, phân tích thị trường một cách khoa học. Khi thị trường chủ lực gặp vấn đề, nhiều bà con loay hoay tìm cách tiêu thụ nông sản vì không biết cách tiếp cận thị trường khác.
Thương lái vẫn là kênh phân phối chủ yếu mà nhiều bà con nông dân lựa chọn, làm gia tăng chi phí trung gian, giảm lợi nhuận nông sản. Không chỉ vậy, giá trị nông sản khi tới tay người tiêu dùng cũng giảm đáng kể. Vì quá phụ thuộc vào thương lái, nhiều bà con nông dân bị rơi vào thế bị động, đành ngậm ngùi chấp nhận bị ép giá nếu không muốn mất trắng mùa. Kết quả, người hưởng lợi là các thương lái, còn người nông dân vẫn chật vật vì thu nhập thấp hơn so với kỳ vọng.

Sự thiếu liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản cũng là một “thủ phạm” dẫn tới hiện tượng này. Khi người nông dân không có liên kết chặt chẽ với nhà phân phối, doanh nghiệp và các chuyên gia, quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trở nên thiếu đồng bộ và không đạt được hiệu quả. Tình trạng sản xuất manh mún, thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, khiến cho nông sản không được tiêu thụ hiệu quả.
Nhiều nông dân vẫn đang duy trì thói quen sản xuất độc lập, dẫn đến việc không tận dụng được lợi thế từ quy mô sản xuất và không nắm bắt kịp thời thông tin thị trường. Việc tạo ra các kênh thông tin, đào tạo chuyên sâu về quản lý chuỗi giá trị sẽ giúp cải thiện khả năng liên kết và thúc đẩy hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Tại một buổi tọa đàm về ngành nông nghiệp vào năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã khẳng định: "Chúng ta phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp."

Ông cho rằng hiện nay nông nghiệp Việt Nam phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao. Trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp không thể nằm ngoài cuộc.

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp cùng cần có sự chuyển mình. Và nông dân chính là đối tượng quan trọng nhất, có tác động to lớn tới quá trình thay đổi này. Để nông sản Việt Nam không chỉ mãi mắc kẹt trong câu chuyện “được mùa, mất giá” thì việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp phải được bắt nguồn từ chính những người nông dân.
Từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi từ duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Nhiều năm qua, Chính phủ cũng đang xây dựng các chính sách, cơ chế để thúc đẩy người nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu hội nhập toàn cầu của đất nước. Khi tư duy trong sản xuất nông nghiệp được thay đổi theo hướng hiện đại hóa, ngành nông nghiệp sẽ có những chuyển mình mạnh mẽ. Việc thúc đẩy người nông dân mạnh dạn thay đổi theo hướng sản xuất xanh và bền vững đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây.

Trước kia, các hộ trồng chè chỉ chờ đợi người mua từ các mối quen nên chỉ có thể bán được hàng trong khu vực địa phương, hoặc xa nhất là trong nước. Tuy nhiên, nhờ có sự chung tay của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương, giờ đây sản phẩm chè Hà Tĩnh đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Ả Rập Saudi,...
Các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp như hợp tác xã (HTX), liên minh HTX, tổ hợp tác cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Không chỉ giúp thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân, những mô hình trên đã thay góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, HTX cũng huy động bà con tập trung phát triển những loại cây trồng thế mạnh, không chạy theo xu hướng, trào lưu để tránh tình trạng cung lớn cầu, mất trắng mùa thu hoạch. Từ những hộ nông dân hoạt động đơn lẻ, chỉ chờ đợi thương lái thu mua nông sản với thu nhập bấp bênh, HTX đã giúp người dân ổn định sản xuất với mức thu nhập cao.