Liên minh châu Âu có thể cấm vận dầu mỏ Nga vào cuối năm

Sau cuộc họp của Ủy ban châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần qua, EU bắt đầu chuẩn bị tung ra gói cấm vận thứ sáu đối với Nga.

Gói cấm vận này được dự báo nhằm vào dầu mỏ của Nga, các ngân hàng và các cá nhân, doanh nghiệp của Nga và Belarus.

Kế hoạch cấm vận này đang được gấp rút hoàn thành để trình lên Hội nghị đại diện thường trực các nước thành viên EU vào ngày 4/5. Việc phê duyệt dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Đức một trong những nước mua dầu mỏ nhiều nhất của Nga - dường như sẵn sàng chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022, song các quốc gia khác như Áo, Hungary, Italia và Slovakia vẫn có sự e dè.

Bộ Kinh tế Đức ngày 1/5 tuyên bố, Berlin đã đạt tiến triển trong nỗ lực cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Đây được xem là sự chuyển dịch mang tính chiến lược của nền kinh tế lớn nhất châu Âu kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

42457717-1646023791961249445217-1651479566.jpeg
Ảnh minh hoạ khai thác dầu mỏ.

Một số nước EU đề xuất áp đặt mức giá trần mà họ có thể chi trả cho dầu nhập từ Nga. Tuy nhiên, họ vẫn không tránh được khả năng phải mua dầu từ nơi khác với giá cao hơn.

Cuộc thảo luận trừng phạt dầu Nga diễn ra trong bối cảnh EU và Moscow đang có những bất đồng về việc thanh toán nhập khẩu khí đốt. Trước đó, Tổng thống Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, nếu không sẽ "khóa van" cung cấp khí đốt. Tuy nhiên, EU cho rằng yêu cầu này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của khối.

Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trong cuộc gặp với nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell, ông đã yêu cầu đưa dầu mỏ Nga vào gói trừng phạt tiếp theo của châu Âu. "Chúng ta phải sử dụng năng lực tài chính và kinh tế để buộc Nga phải trả giá cho điều họ đang làm", ông Borrell đáp lời.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng cảnh báo việc châu Âu cấm vận dầu mỏ Nga sẽ không có nhiều ảnh hưởng vì Nga sẽ vẫn có lợi nhuận nhờ xuất khẩu dầu giá cao ở những nơi khác.

Văn Thi (t/h)