Do giá dầu tăng trong năm 2021, và có lúc giao dịch trên mức 100 USD/thùng phiên 24/2, các công ty từ những “gã khổng lồ” như Chevron đến những công ty quy mô tầm trung như Devon Energy đã chọn chỉ huy động vốn đầu tư một cách khiêm tốn. Cách tiếp cận này cho thấy các nhà sản xuất chuyển sang tập trung cho giảm nợ và trả lợi tức của cổ đông, đồng thời tăng cường các sáng kiến đầu tư carbon thấp.
Các công ty cũng tỏ ra thận trọng trước đại dịch COVID-19 đang diễn ra và sự phục hồi không chắc chắn của nhu cầu năng lượng. Peter McNally, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Third Bridge (Mỹ), dự đoán các công ty sẽ không vội vàng thay đổi chiến lược khi giá hàng hóa tăng đột biến gần đây nhất.
Là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới và cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên cho châu Âu, vị trí trung tâm của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu, với tư cách là nhà sản xuất năng lượng, là yếu tố quan trọng trong phản ứng của phương Tây đối với căng thẳng Ukraine. Việc giá dầu và khí đốt tự nhiên, vốn đã ở mức cao, tiếp tục tăng lên cho thấy sự bất ổn liên quan đến sản lượng của Nga.
Một thông báo từ Giám đốc điều hành công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) Jarand Rystad cho biết tình hình này có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ông Rystad cho hay căng thẳng toàn diện giữa Nga và phương Tây khó xảy ra, nhưng "xung đột" kinh tế sâu rộng gần như không thể tránh khỏi, và Nga có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này như một "quân cờ".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bill Cassidy, đảng viên Đảng Cộng hòa bang Louisiana, kêu gọi Mỹ “xả” năng lượng giá rẻ tràn ngập thị trường thế giới để giảm bớt mức độ ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, mặc dù ủng hộ các chính sách cho phép khai thác của chính phủ, cho đến nay vẫn thận trọng với hoạt động này.
Jim Krane, một nhà phân tích năng lượng tại Viện Baker của Đại học Rice, cho biết giá năng lượng cao hơn thường khuyến khích sự phát triển của các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Theo ông, mặc dù cuộc khủng hoảng Ukraine làm trầm trọng thêm những lo lắng ngắn hạn về an ninh năng lượng, song nó không làm thay đổi nhu cầu chuyển đổi sang các nguồn sạch hơn.
Thế giới cần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và phát triển các nguồn năng lượng thay thế. Ông Jim Krane cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể làm chậm tiến trình chuyển đổi ở một số nơi và nhưng sẽ thúc đẩy tiến triển ở những nước khác./.