Thanh Hóa: Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển

Ngày 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất… Trên cơ sở đó, tìm các phương án, giải pháp tháo gỡ, để đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn…

Hội nghị diễn ra tại Trung tâm hội nghị 25B (TP. Thanh Hóa), do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì. Hội nghị diễn ra sôi nổi chủ đề: “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

toan-canh-dnth-1680314690.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Sở, ban ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện thị, thành phố; các ngân hàng thương mại; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thanh Hóa cùng 300 đại biểu thuộc Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất… Trên cơ sở đó cùng tìm các phương án, giải pháp tháo gỡ, để đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1-5-1680314572.jpg
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội Nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn thay mặt lãnh đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả và những đóng góp hết sức quan trọng và to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian vừa qua. Góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa hoàn thành xuất sắc kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước, thu ngân sách nhà Nhà nước đạt hơn 50.000 tỷ đồng, vượt 71% dự toán, đưa tỉnh Thanh Hóa gia nhập nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách hơn 50.000 tỷ đồng.

2-4-1680314798.jpg
Đại diện lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh Thanh Hóa trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tập trung thảo luận các nội dung vướng mắc như: Thủ tục pháp lý; bất cập về các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác phòng cháy, chữa cháy; các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, các chi phí thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, giá thuê đất; tiếp cận vốn ngân hàng; giá vật liệu xây dựng, các khu tái định cư…

3-4-1680314849.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa Trịnh Xuân Lâm cho rằng quy định mới về phòng cháy chữa cháy ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh

Đặc biệt, Hội nghị lần này, đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội, hội ngành hàng đã nêu các khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp thích ứng; hay như việc lãi suất vẫn đang ở mặt bằng cao, để tiếp cận nguồn vốn ở một số lĩnh vực khó khăn do thủ tục thẩm định khắt khe, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, du lịch; nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng và giao thông gặp khó về nguồn cung, giá cả biến động thất thường khó lường; khó khăn trong tiếp cận đất; bất hợp lý trong tính toán mức thuế ở một số lĩnh vực…

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn cho biết: “Sau 3 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 và hiện tại là suy thoái kinh tế, lạm phát nên ngành dệt may và da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp đang hết sức cố gắng để giữ việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, một vấn đề trong phòng cháy chữa cháy khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng, có nguy cơ bị đình chỉ hoạt động.

ong-cao-tan-doan-1680347967.jpg
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tổng hợp ý kiến, kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn

Ông Trịnh Thế Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn kiến nghị: "Tỉnh Thanh Hoá cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) và lập quy hoạch sử dụng đất đồng bộ, đi trước một bước để tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư, xây dựng dự án".

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngành ngân hàng cần đánh giá lại tài sản thế chấp theo giá hiện hành đối với các doanh nghiệp cần đảo nợ, vì giá trị tài sản thế chấp (đất đai, tài sản khác) đã thay đổi rất nhiều so với đánh giá trước đây. Trong khi các ngân hàng chỉ trừ lùi khấu hao hàng năm mà chưa tính đến giá trị tài sản thế chấp cũng đang tăng giá hàng năm. Bên cạnh đó, đề nghị chính quyền làm việc với các ngân hàng để doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi (khung lãi suất thấp nhất cho phép - khung đáo hạn dài nhất).

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, nhận định: Các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay. Ngoài ra, hiệp hội cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nhân tỉnh đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác PCCC, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19, thực hiện hiệu quả.

Với phương châm hành động là “Đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm - linh hoạt - hiệu quả”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành giải đáp, trả lời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay; đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời doanh nghiệp trước ngày 5/4, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết./.

Lê Gia - Hà Minh