Theo kế hoạch 135, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố: theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 21/11/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 64-CTr/TU ngày 16/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương đảng và các nhiệm vụ chủ yếu được phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện gửi về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, theo dõi.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này; định kỳ hằng năm (hoặc đột xuất khi có yêu cầu) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc thực hiện.
Mục đích nhằm xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (viết tắt Chỉ thị số 13-CT/TW) và Kết luận số 61- KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của rừng, từ đó thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng; tạo động lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng đa mục đích, đa giá trị trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức, hợp tác, liên kết, chia sẻ lợi ích trong sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn, huy động các nguồn lực hợp pháp phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua; bảo đảm thực hiện đạt mục tiêu lĩnh vực lâm nghiệp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, góp phần bảo vệ, điều hòa nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Qua đó yêu cầu tổ chức nghiên cứu, quán triệt các nội dung phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành, để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân nắm vững, hiểu rõ những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 13-CT/TW, Kết luận số 61-KL/TW, Nghị quyết số 29/NQ-CP. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát các mục tiêu, định hướng của Nghị quyết số 29/NQ-CP , có trọng tâm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tuyên truyền, phổ biến các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu, định hướng được quy định tại các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình, Đề án, Dự án, Kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp và các văn bản liên quan khác, trọng tâm là Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 03/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 234/QĐ- UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch số 164/KH- UBND ngày 26/7/2021 của UBND tỉnh về tổng thể phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030...
Bên cạnh đó kịp thời triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư vào phát triển lâm nghiệp trên cơ sở các văn bản của Trung ương, nhằm khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lâm nghiệp trên địa bàn; tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người tham gia bảo vệ rừng, phát triển rừng, đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng.
Rà soát, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về lâm nghiệp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy được tiềm năng, lợi thế của rừng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Điều chỉnh, sửa đổi kịp thời các quy định của tỉnh về lâm nghiệp, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật./.