Làm nông nghiệp phải hiểu tự nhiên

Đã bao giờ tự hỏi vì sao lau sậy lại mọc ở đầm lầy, cỏ có loài rễ chùm có loài rễ cọc, cá có loài ăn rong rêu có loài ăn côn trùng, chim có loài ăn ngũ cốc có loài ăn sâu bọ…?
t-1698219904.jpg
Làm nông nghiệp cần phải hiểu tự nhiên - Ảnh minh họa.

Một trong những điều tuyệt vời khi tôi tìm hiểu về nông nghiệp là hiểu được tầm quan trọng của cỏ dại và sức khỏe của đất ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như sức khỏe của chúng ta như thế nào. Lúc nào tôi cũng khuyến khích mọi người tìm hiểu về tự nhiên, chỉ có hiểu tự nhiên, yêu thiên nhiên chúng ta mới có thể làm nông nghiệp, làm farm tốt được. Bởi vì nông nghiệp cơ bản là sự thay đổi phương thức sản xuất của tự nhiên để gia tăng lương thực thực phẩm cho con người.

Vì ảo tưởng rằng mình giỏi hơn tự nhiên cho nên con người làm thay đổi nó nhanh chóng, các giống cây, phương thức canh tác nông nghiệp liên tục ra đời tuy nhiên cuối cùng chúng ta nhận lại được điều gì? Đó là sự thoái hóa đất, thiếu nước, sa mạc hóa, đất mất dinh dưỡng trở thành đất chết… Phát triển các loại cây biến đổi gen cho năng suất cao nhưng đi kèm nó là mầm mống của bệnh tật, sâu bệnh, mất cân bằng sinh thái…

Tự nhiên vốn dĩ cho ta một sự cân bằng tuyệt vời loài này bổ trợ loài kia, vật này nuôi sống vật kia cuối cùng nó trở thành một vòng tuần hoàn không thể thiếu lẫn nhau. Bởi vì đầm lầy vốn dĩ chứa nhiều uế độc cho nên lau sậy mọc ở đó để thanh lọc nước sạch tiếp tục thẩm thấu vào đất nuôi sống các loài khác, nó là một hệ thống xử lý nước thải tự nhiên không thể tuyệt vời hơn. Cỏ rễ chùm thì sẽ mọc ở nơi đất tơi dễ tạo bùn để kết đất lại, cỏ rễ cọc sẽ mọc ở nơi đất chặt để rẽ đất ra tạo đất tốt cho chúng ta trồng trọt canh tác.

Cá ăn rong rêu để dọn dẹp môi trường cho sông hồ, ăn côn trùng để hạn chế loài muỗi mòng sinh sôi nảy nở quá mức. Chim ăn hạt để thông qua phân của nó gieo trồng đi khắp nơi, ăn sâu bệnh để không cho chúng sinh sôi nảy nở quá nhiều… Các loài tuyệt vời thế đấy, chẳng loài nào là không có ích cả, chỉ có yêu thiên nhiên chúng ta mới trân trọng những thứ tưởng chừng tồn tại để cho vui như vậy.

Tự nhiên vẫn hằng ngày chữa lành cho những sai lầm của chúng ta. Đất thiếu chất gì sẽ có cây cỏ mọc lên để bổ sung chất đó. Đó là lý do vì sao người Nhật thuê đất làm nông nghiệp thường chọn những mảnh đất hoang hóa 5 – 10 năm cho cỏ dại mọc um tùm trước khi canh tác. Thời gian 5 -10 năm đủ cho đất được phục hồi do dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật tồn đọng trước đó. Đủ cho các cây cỏ dại kia bổ sung chất dinh dưỡng còn thiếu cho đất.

Sức khỏe của đất cũng chính là sức khỏe của chính chúng ta. Đất chết: Thiếu vi sinh vật, thiếu nấm, thiếu nước, thiếu mùn… thì những thứ ta trồng trên đó cũng hầu như chẳng có giá trị dinh dưỡng nào. Làm nông nghiệp, làm trang trại bắt buộc chúng ta phải hiểu tự nhiên, yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của đất của mọi loài để tôn trọng giá trị mà tự nhiên ban tặng. Qua đó tôn tạo, bảo vệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng giúp tăng trưởng kinh tế cũng như sức khỏe cho chính chúng ta và cộng đồng.

Lê Hà