Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, kết quả làm việc với 5 công ty lâm nghiệp trồng rừng phải ngừng khai thác trắng và 3 công ty lâm nghiệp không có diện tích rừng trồng khai thác trắng, Sở nhận thấy có một số khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ chủ trương này. Cụ thể là tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, lãng phí nguồn vốn đầu tư, thiếu việc làm cho người lao động; đồng thời gánh nặng về trích khấu hao tài sản lớn mà không có nguồn thu bù đắp, ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của đơn vị.
Điển hình tại Công ty Lâm nghiệp Bảo Lâm đã đầu tư 11 tỷ đồng tăng năng lực chế biến gỗ lên 6.000 m3/năm. Tuy nhiên sản lượng tỉa thưa rừng định kỳ hiện nay chỉ đáp ứng 40% năng lực chế biến. Trong khi hàng năm phải trả 4,9 tỷ đồng tiền lương cho công nhân, trích trên 1,2 tỷ đồng khấu hao máy móc, nhà xưởng. Công ty Lâm nghiệp Di Linh đầu tư trên 30 tỷ đồng vào nhà xưởng, máy móc, dây chuyền tinh chế gỗ với năng lực chế biến 9.000 m3/năm. Tuy nhiên sản lượng tỉa thưa chỉ đáp ứng 50% năng lực chế biến. Vừa qua, đơn vị này đã phải chấm dứt hợp đồng với 20 lao động…
Việc ngừng khai thác trắng diện tích rừng do các doanh nghiệp trồng cũng đã ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, diện tích rừng trồng sản xuất được giao để sản xuất kinh doanh không nằm trong diện tích được đặt hàng của nhà nước. Các chi phí như trả lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy, thực hiện các nội dung quản lý rừng bền vững, duy trì chứng chỉ rừng quốc tế FSC… cùng các hoạt động hỗ trợ người dân địa phương theo phương án quản lý rừng bền vững không thể thực hiện được do kinh phí đều lấy từ nguồn thu khai thác trắng rừng trồng.
Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương giao các công ty lâm nghiệp điều chỉnh đơn giá đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng đối với rừng tự nhiên và ngoài lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng; cho các công ty lâm nghiệp được tự quản lý, bảo vệ diện tích rừng trồng trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích thu hồi từ diện tích giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình để xảy ra vi phạm.
Cùng đó, nghiên cứu, xem xét và hướng dẫn các công ty lâm nghiệp tạm dừng trích khấu hao nhà xưởng, thiết bị cho đến khi được phép khai thác rừng trồng trở lại; thống nhất chủ trương chỉ định cho các công ty lâm nghiệp có nhà xưởng, máy móc thiết bị chế biến tinh chế được mua gỗ tận dụng giải phóng mặt bằng từ các công trình xây dựng của tỉnh và nguồn nguyên liệu tỉa thưa nuôi dưỡng rừng tại các Ban quản lý rừng của tỉnh để duy trì hoạt động; UBND các huyện ưu tiên đặt hàng cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn ươm giống cây phục vụ kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh trên địa bàn…
Trước đó, ngày 14/1/2022, UBND tỉnh đã ra văn bản số 314/UBND-LN về việc tạm dừng khai thác trắng rừng trồng thông 3 lá giai đoạn 2021- 2025 của các Công ty TNHH MTV trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn gồm Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Thuận, Đơn Dương, Tam Hiệp… được chỉ đạo tạm dừng khai thác trắng rừng trồng để bảo vệ môi trường sinh thái, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ trương trên phù hợp để đạt được thành công của Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến 2030”. Tuy nhiên, việc dừng khai thác trắng diện tích rừng trồng cũng đã gây khá nhiều khó khăn cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp để những doanh nghiệp này tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả./.