Chuyên nghiệp hóa các hoạt động truyền thông lâm nghiệp

Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) vừa ban hành Đề án truyền thông thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự quan tâm, hành động của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, bảo vệ quốc phòng, an ninh của rừng.
ln1-1667449340.jpg
Tăng cường tuần tra ngăn chăn phá rừng

Nâng cao nhận thức về lâm nghiệp

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự quan tâm, hành động của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, bảo vệ quốc phòng, an ninh của rừng, vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với bảo tồn đa dạng sinh học, cung ứng dịch vụ môi trường rừng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời cũng để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp của các chủ thể trong xã hội. Nâng cao hiệu quả của các hoạt động lâm nghiệp thông qua việc phổ biến những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, kết quả, thành tựu khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Huy động sự hợp tác, chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện các cam kết quốc gia, quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu nói chung và lâm nghiệp nói riêng.

Đề án cũng hướng đến việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực lâm nghiệp trên các kênh truyền thông. Đưa hoạt động truyền thông lâm nghiệp có tính lan toả và chuyên nghiệp. Mục tiêu của Đề án là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về lâm nghiệp của các chủ thể trong xã hội.

Đề án sẽ hướng đến việc truyền thông 4 nội dung chính. Đầu tiên là vai trò, chức năng, tầm quan trọng của rừng và các hệ sinh thái rừng đối với môi trường, biến đổi khí hậu nói chung và đời sống con người nói riêng; vẻ đẹp, tính đa giá trị, đa dụng của rừng.

Thứ hai là vai trò, sự tham gia, tấm gương, sáng kiến, kinh nghiệm và cách làm hay của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động lâm nghiệp, đặc biệt là trong bảo vệ rừng, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, phát triển kinh tế rừng và hỗ trợ phát triển cộng đồng.

Thứ ba là pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Qua đó cập nhật những kiến thức cơ bản về pháp luật lâm nghiệp; trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Cuối cùng là tuyên truyền về các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực lâm nghiệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT giao và tình hình, kết quả thực hiện theo từng lĩnh vực cụ thể như quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng và phát huy giá trị đa dụng của rừng; phát triển rừng, kinh tế dưới tán rừng.

ln2-1667449406.jpg
Tích cực bảo vệ rừng nguyên sinh

Đề án cũng đặt mục tiêu truyền thông về sử dụng rừng bền vững, phát triển ngành công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản; phát triển dịch vụ môi trường rừng bền vững, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng; trong khoa học công nghệ là hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp là các hiệp định, cam kết, tuyên bố, thoả thuận, văn bản ghi nhớ giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức trên thế giới về lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung. Cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Lâm nghiệp với các cơ quan đơn vị trong ngành để thiết lập mạng lưới và cơ chế trao đổi thông tin.

Những đối tượng mà Đề án hướng đến là các chủ rừng, người dân nói chung, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, miền núi, khu vực vùng lõi, vùng đệm các vườn quốc gia; các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở trung tương và địa phương; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đối tác trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, môi trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực có liên quan tới lâm nghiệp, môi trường; nhà báo, giới truyền thông, người có ảnh hưởng trong các lĩnh vực (môi trường, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao, du lịch…); khách du lịch trong và ngoài nước; giới trẻ (học sinh, sinh viên…).

Đa dạng phương thức truyền thông

Các nhiệm vụ chính của Đề án được xác định là tổ chức đào tạo, tập huấn; truyền thông trên mạng; truyền thông trên báo chí; truyền thông trực tiếp; xuất bản sản phẩm, ấn phẩm. Để có thể hoàn thành những nhiệm vụ đó, Đề án đã đề ra những giải pháp cụ thể như xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết hàng năm; phân giao trách và thời gian thực hiện nhiệm vụ cụ thể cho từng chủ thể; định kỳ có các hoạt động sơ kết, tổng kết đánh giá theo năm/giai đoạn.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Lâm nghiệp với các cơ quan đơn vị trong ngành (Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, Viện nghiên cứu, Trường Đại học…) để thiết lập mạng lưới và cơ chế trao đổi thông tin; bảo đảm nhân sự và tổ chức thực hiện nhiệm vụ truyền thông một cách thông suốt, hiệu quả. Đề án sẽ được truyền thông qua kênh trực tuyến (online) như Website, Facebook fanpage, Youtube, TikTok.

Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hai chiều với các đối tác trong hoạt động truyền thông, trong đó có các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, đặc biệt là các cơ quan báo chí, thông qua việc xây dựng chương trình/quy chế/ kế hoạch phối hợp, hợp tác,

ln3-1667449457.jpg
Có kế hoạch tái sinh và trồng mới

Tăng cường tính chủ động, tích cực trong hoạt động cung cấp, chia sẻ thông tin lâm nghiệp một cách thường xuyên trên tất cả các kênh bằng hình thức phù hợp, ưu tiên các kênh truyền thông chính thống, chủ động; song song với đó, tận dụng, phát huy lợi thế của các kênh mạng xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; số hóa thông tin dữ liệu, số hóa quy trình trong công tác thông tin, truyền thông lĩnh vực lâm nghiệp. Bảo đảm bố trí nguồn lực (ngân sách, con người) một cách chủ động; đồng thời, tăng cưởng xã hội hóa các hoạt động truyền thông lâm nghiệp.

Huy động, thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan, đóng góp vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông lâm nghiệp. Huy động sự tham gia từ các đối tác là chương trình, dự án, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, người có sự ảnh hưởng trong xã hội trong công tác truyền thông lâm nghiệp.

Đề án sẽ được truyền thông qua kênh trực tuyến (online) như Website, Facebook fanpage, Youtube, TikTok; kênh báo chí chính thống gồm cả báo truyền hình, báo phát thanh, báo in và báo điện tử. Đề án cũng sẽ được truyền thông qua kênh truyền thông trực tiếp như hoạt động truyền thông phối hợp văn hoá, thể thao, sân khấu hóa; hoạt động truyền thông phối hợp với giáo dục môi trường; hoạt động truyền thông phối hợp với trải nghiệm thực tế; hoạt động truyền thông kết hợp với tổ chức cuộc thi, sự kiện vinh danh. Phát hành sản phẩm, ấn phẩm: video clip, phim; ảnh, infographic; các tài liệu in ấn: sách, áp phích, băng rôn, tờ tơi, tờ gấp./.

Phạm Hiếu