Lâm Đồng đặt mục tiêu thu hút 9,7 triệu khách du lịch trong năm 2024

Để đạt mục tiêu thu hút gần 10 triệu khách tới thăm quan trong năm 2024, Lâm Đồng tập trung thát triển các sản phẩm du lịch truyền thống và đặc thù của tỉnh.
ho-xuan-huong-1708929169.jpg
Thành phố Đà Lạt là điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh minh họa

Là một tỉnh miền núi phía Nam Tây Nguyên, nằm trên ba cao nguyên Lâm Viên - Di Linh - Bảo Lộc, ở độ cao trung bình từ 800m - 1.500m so với mực nước biển; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.773,54km² (lớn thứ 7 cả nước), dân số 1.312.900 triệu người (năm 2019) với 43 dân tộc khác nhau cư trú và sinh sống.

Lâm Đồng không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu ôn hòa và mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, như thác Cam Ly, Khu du lịch Dankia - Suối Vàng, Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang…; hệ thống hồ, rừng, đồi núi, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động thể thao mạo hiểm, mà còn là nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội…, có giá trị cao về truyền thống, bản sắc và văn hóa tâm linh.

Bên cạnh đó, là vùng đất có lịch sử hình thành từ lâu đời, Lâm Đồng có sự đa dạng về thành phần dân tộc: Kinh, Cơ-ho, Mạ, Nùng, Tày, Chu-ru, Hoa, Mnông, Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ-me, Lô Lô, Cờ Lao, Cống… Chính những yếu tố “địa lợi, nhân hòa” mang đến cho Lâm Đồng những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch riêng có của mình, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội - sự kiện, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, cho đến du lịch thể thao mạo hiểm.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 3.070 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 43.684 phòng; trong đó có 449 khách sạn từ 1 - 5 sao với 13.172 phòng. Tỉnh có 82 đơn vị kinh doanh lữ hành hoạt động, trong đó 44 đơn vị lữ hành quốc tế, 38 đơn vị lữ hành nội địa. Ngoài ra, toàn tỉnh có 112 khu, điểm du lịch, tham quan; trong đó có Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm, 2 khu du lịch cấp tỉnh và 11 điểm du lịch cấp tỉnh.

Năm 2023 tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt 8,65 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 400 ngàn lượt, tăng 166%; khách nội địa đạt 8,25 triệu lượt, tăng 12%; khách qua lưu trú đạt 6.7 triệu lượt, tăng gần 22%. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 15.570 tỷ đồng.

nong-nghiep-da-lat-1708929169.jpg
Lâm Đồng đột phá bằng nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: Du lịch Đà Lạt

Tiếp nối những kết quả năm 2023, theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng trongnăm 2024, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về khách du lịch đến Lâm Đồng đạt 9,7 triệu lượt. Trong đó, khách qua lưu trú đạt 7,6 triệu lượt; khách quốc tế đạt 550 ngàn lượt.

Để đạt mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan tại các cơ sở kinh doanh du lịch.

Ngành Du lịch tỉnh tiếp tục xây dựng, triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển du lịch trên địa bàn; quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch truyền thống, đặc thù (du lịch tham quan nghỉ dưỡng, canh nông, thể thao mạo hiểm...). Đồng thời, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, có khả năng cạnh tranh cao như du lịch cộng đồng, du lịch thể thao, du lịch kết hợp với chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...

Từ năm 2024, Lâm Đồng sẽ tập trung khai thác thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt là các thị trường truyền thống của tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung; mở rộng thị trường ra phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng... Tỉnh tập trung thu hút khách du lịch quốc tế đến từ các nước ASEAN, Đông Bắc Á, Đông Á...; mở thêm các đường bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng; phối hợp triển khai thực hiện các công tác liên quan đến đầu tư, quy hoạch phát triển du lịch tại địa phương đặc biệt là các công trình trọng tâm, trọng điểm như Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, núi Sa Pung - Bảo Lộc...

Ngoài ra, tỉnh triển khai các chương trình liên kết, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước đặc biệt là Tuần Lễ vàng Du lịch Lâm Đồng lần thứ 3 năm 2024, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024./.

Hương Lan