Thấy Tây là sợ
Mình trở thành phóng viên ư? Có nên tin không nhỉ. Thực ra là mình tự hỏi có nên làm phóng viên không. Nhà thơ VTH, người cùng đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh với mình năm 1992, từng cảnh báo, đi làm báo là khó viết văn lắm đấy em ạ, nhiều người tịt luôn. Rõ ràng mình muốn trở thành nhà văn chứ không phải nhà báo. Nhưng tạp chí Mốt Mới đang là nỗi thèm khát của bất cứ phóng viên nào. Một tạp chí về mốt đầu tiên của xứ An Nam này, quá lạ, quá hấp dẫn bạn đọc, mà lại liên doanh với Tây. Nghe đồn lương tháng cả cây vàng. Công nghệ làm báo tiên tiến nhất của thế giới nhập về. Có chuyên gia Tây tham gia làm báo trực tiếp luôn. Nhiều cơ hội trong một như thế này, mà mình lại là một trong hai người trúng tuyển qua một kỳ thi cam go, nếu bỏ qua cơ hội này mình sẽ là một con dở hơi toàn tập.
Thêm nữa, mình chuẩn bị cưới chồng đến nơi. Biết bao thứ cần đến tiền, mà anh ấy thì không giỏi chuyện tiền nong. Thôi thì cứ vào làm phóng viên Mốt Mới một thời gian xem sao. Nếu quả nhiên không viết văn được nữa thì mình… lợn dừng. Cùng lắm là mất vài năm chứ gì. Mình còn trẻ mà. Đời còn dài lắm. Sai lầm cũng không sao. Khi ta trẻ, ta có quyền được sai.
Kiểu suy nghĩ cò con và rất cùn (gien gốc làng Thanh) như thế, mình chính thức đi làm ở tạp chí Mốt Mới. Đó là đầu tháng 11 năm 1993, khi mình tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngại nghĩ (Ngoại ngữ) được nửa năm.
Hôm sau, mình đi làm và gặp Thu - cô phóng viên cùng trúng tuyển một lượt với mình. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng thi tuyển phóng viên Mốt Mới lần này là biết ngoại ngữ, Anh hoặc Pháp. Thu cao ráo, trắng trẻo và khá ưa nhìn với mái tóc uốn sành điệu, trong khi mình thì da tái xanh, mặt quắt chỉ thấy đôi mắt to như cái ao đình, thân hình gày tong teo, mái tóc quá dài quá dày nuốt hết cả người, cân cả giày, cả tóc và ba lô may ra được 38 ki lô. Mình dân tiếng Anh, còn Thu dân tiếng Pháp. Hai vị chuyên gia người Thụy Sỹ dĩ nhiên ưa sử dụng tiếng Pháp. Như vậy cô bạn kia số một, mình chỉ là số hai thôi. Mình thở phào, Thu sẽ phải đương đầu mọi chuyện, còn ta là số hai sẽ lủi vào một góc viết lách êm ả.
Hai đứa được gọi ngay vào phòng giám đốc Thương mại (tạp chí Mốt Mới có vị trí nghe lạ tai này là do bên đối tác Thụy Sỹ yêu cầu). Chuyên gia Thụy Sỹ vừa tới làm việc, cần có người phiên dịch cho bà giám đốc. Dĩ nhiên Thu phiên dịch rồi. Mình chỉ ngồi dự thính. Khốn khổ, cô ấy nghe chuyên gia nói mà không hiểu gì, chỉ lắc đầu, mặt đỏ lựng lên và lắp bắp hỏi lại, thế là ngày đầu tiên đi làm đã ăn chửi. Bà giám đốc Thương mại tạp chí Mốt Mới thất vọng nói thẳng, tôi cho em sáu tháng nghỉ để học lại tiếng Pháp, nếu sau đó quay lại đây hiểu được chuyên gia nói, chúng tôi sẽ tiếp nhận em. Cô gái khốn khổ chưa kịp quay đi, bà giám đốc Thương mại còn rỉa thêm, cái thứ tiếng Pháp mà em đang dùng có lẽ chỉ đủ để phục vụ trong bar thôi, đi làm báo sao được. Mình ngồi đấy thấy đau, còn Thu có thể đau gấp đôi, và Bộ Giáo dục Đào tạo có lẽ đau gấp chín mươi lần trước câu mỉa mai của bà giám đốc có tiếng là quyền lực trong làng báo.
Dân học ngoại ngữ, mà nói chung hầu hết sinh viên chúng mình hồi ấy, học toàn lý thuyết, cái kiểu mà chúng mình gọi học chay, học mây học gió, chứ làm gì có cơ hội thực hành, làm gì có cơ hội hạ cánh đi trên mặt đất để mà có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Thế nên dù mất cả bốn, năm năm học tiếng nước ngoài hẳn hoi, tốt nghiệp cầm bằng đỏ hẳn hoi, mà nhìn thấy Tây chúng mình thường sợ vãi. Tây mới dạm nói vài ba câu chúng mình đã ù hết cả tai, sợ Tây to như tịnh đã đành, không hiểu Tây nói nên càng mất hết tinh thần. Thú thật nhìn thấy chuyên gia Tây mà chỉ muốn chạy trốn. Thật tội cho lứa cử nhân ngoại ngữ chúng mình hồi ấy.
Dịch thế nào đây?
Lúc này, ba cặp mắt xanh, xám, đen chằm chằm nhìn mình. Mình đã dịch chuyển lên “ghế nóng”. Cô nàng Thu khốn khổ chuồn mất tiêu rồi.
Bà giám đốc Thương mại nhìn mình với ánh mắt: kiểu này rồi cũng chẳng nên cơm cháo gì đâu. Bà quay sang nói tiếng Anh bồi với hai vị chuyên gia, đại ý rằng cô gái còn lại này nói tiếng Anh, nhưng tôi không dám chắc, các vị có thể chuyển sang nói tiếng Anh được không? Hai vị chuyên gia gật đầu. Bà giám đốc quay sang mình, hỏi với giọng đã được kê lên cao:
- Họ sẽ nói tiếng Anh, cháu xem dịch nổi không?
Gì vậy chứ? Dẹp cơn choáng mang tên “Sa thải ngay từ ngày đầu đi làm”, mình rướn thẳng người lên. Mình vào vai một cô phiên dịch láu cá, nhoẻn cười và nói một câu lịch sự, rằng rất tiếc tôi không thể sử dụng được tiếng Pháp, dù tiếng Pháp thật thú vị và tôi khâm phục những ai có thể nói được thứ ngôn ngữ của nghệ thuật này. Tôi nói được một chút tiếng Anh, hy vọng có thể dịch được những gì hai bên muốn bàn bạc.
Nói xong tràng tiếng Anh một cách suôn sẻ, mình vờ lờ tịt bà giám đốc quyền hành ấy đi, chú tâm vào anh Tây tên Jannet L. Jannet có mái tóc nâu, lọn tóc lượn rủ xuống trán rất quyến rũ. Giá như không vì không khí đang khá căng, thì mình muốn ngắm lâu hơn lọn tóc nâu cứ rũ xuống trán thật trêu ngươi ấy. Có điều đôi mắt xanh luôn nhìn thẳng, nhìn chăm chú của anh Tây chỉ như muốn có câu trả lời ngay tắp lự. Mà mình thì làm gì có câu trả lời nào. Mình đành quay sang bà giám đốc Thương mại đang cạu cọ. Mình thấy bà ấy có vẻ ngạc nhiên, nhìn mình với ánh mắt khác.
Thực ra, mình cũng chỉ bắt được 70% nội dung Jannet nói, 30% còn lại mình phải huy động trí khôn để “điền vào chỗ trống”. Những bạn Tây mới gặp lần đầu, mình cần vài phút nói chuyện để quen ngữ điệu của họ rồi mới có thể bắt sóng tốt hơn.
Lúc này, mình thầm cảm ơn thói tham tiền của mình biết bao. Tham tiền nên ngay khi còn là sinh viên năm thứ hai, mình đã lăn lóc đi dạy tiếng Anh từ các lớp trẻ con, cho đến sinh viên trường Y, đến lớp cán bộ Bộ Thủy lợi, rồi dạy bằng A, B, C ở các trung tâm ngoại ngữ. Ngày nào cũng phải nói tiếng Anh sa sả vài ba tiếng đồng hồ, không nói lưu loát mới là chuyện lạ. Thêm một lần nữa cảm ơn thói tham tiền, vì tham tiền mà mình lẽo đẽo đi dịch cho các bà vợ Tây suốt những cuối tuần. Thời ấy Việt Nam mở cửa hội nhập được một thời gian nên rất nhiều anh Tây bay sang Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, lúc họ họp hành bàn bạc thì các bà vợ của họ yêu cầu mình dẫn đi thăm thú, mua sắm. Tiếp xúc với Tây nhiều nên mình chả sợ Tây như hồi đầu nữa. Sức hút đồng tiền ghê gớm thật. Trước đó mình đến trường cứ nhơn nhơn như được bố mẹ thuê đi học. Có lần may mắn thế quái nào mình được xếp thứ nhất trong lớp, chẳng tự sướng thì thôi lại còn đòi bố mẹ thưởng. Tâm lý ấy không là của đứa được thuê đi học hay sao.
Quả thực có lăn vào làm, mới thấy mình cần tự học những gì mình yếu. Những gì không có ở trường thì tìm bằng được ở bên ngoài. Mình nhận ra rằng, những kiến thức hữu hiệu và tuyệt vời đều đến từ việc làm.
Việc dịch diệc ngon nghẻ, mình chuyển sự chú ý sang chuyện Tây làm báo ra sao. Người làng Thanh chúng mình có câu, mở to mắt ra mà học. Jannet đại diện cho tập đoàn báo chí của Thụy Sỹ, nên anh Tây tóc rủ quyến rũ chết người này chỉ chuyên nói về mục tiêu của tạp chí Mốt Mới và chuyện kinh doanh của tạp chí. Anh nói tạp chí cũng là một doanh nghiệp, phải ra thị trường kinh doanh, chiến đấu ác liệt với đối thủ…
Thời ấy, báo chí Việt Nam toàn bao cấp. Báo chí là tiếng nói của các cơ quan đoàn thể, in ra cho cơ quan đoàn thể đọc, anh Tây này nói tạp chí là doanh nghiệp nghe chôi chối thế nào ấy nhỉ. Lại còn thị trường với cạnh tranh nữa. Cả Việt Nam bấy giờ mới ra tạp chí Mốt Mới là độc nhất vô nhị, vậy thì làm gì có đối thủ. Mà không chỉ có Mốt Mới thôi đâu, báo chí ở Việt Nam đương nhiên không có đối thủ.
Bà giám đốc Thương mại ghé tai mình bỏ nhỏ, kệ Tây nó nói gì thì nói. Trong hợp đồng liên doanh với nó, đã ghi rõ ràng, phía Việt Nam được toàn quyền quyết định nội dung. Vì thế việc nó nó nói, việc mình mình làm.
Ơ hay nhỉ. Vậy thì mình phải dịch lại cho anh Tây thế nào bây giờ? Nhìn anh Tây hào hứng nói, thật hào hứng (anh đang muốn vỡ lòng cho chúng mình cách làm, con đường đi của một tạp chí mốt chuyên nghiệp), mà mình thấy lo.
Đào tạo người quảng cáo
Sau khi đần mặt ra mấy giây, mình nghĩ mình phải theo chuyện này tới cùng, ít ra phải học được mấy bạn Tây làm báo chí ra sao. Nghĩa là mình phải khiến cho hai bên hài lòng, và chuyện liên doanh diễn ra tốt đẹp, mình bèn “diễn dịch” thế này: Anh biết đấy, mọi việc mới chỉ đang bắt đầu. Chúng tôi ở đây quen làm báo kiểu khác, chúng tôi rất mừng khi có thể học được công nghệ làm báo tiên tiến của các anh. Nhưng chúng tôi cần thời gian để thay đổi, với sự giúp đỡ của các anh.
Anh Tây có vẻ phấn khởi, nghiêng đầu, nhún vai nói tốt tốt, chúng ta sẽ bàn tiếp về việc kinh doanh ra sao.
Nghe nói thế, bà giám đốc Thương mại cũng tỏ ra phấn khởi, mang tới bàn một tập dày ma két quảng cáo trong tạp chí Mốt Mớt số sắp ra. Bà bảo ý kiến của các ngài hay quá, cả Việt Nam này chỉ duy nhất tạp chí Mốt Mới là thành lập hẳn một phòng quảng cáo. Có nhân viên chủ động đi tìm kiếm khách hàng quảng cáo, thu được rất nhiều tiền. So với bán từng tờ báo thì bán quảng cáo thu lời lớn thật. Bà cũng tỏ ra e ngại là sắp tới đây các báo khác biết được chiêu này của Mốt Mới, cũng sẽ đua nhau thành lập phòng quảng cáo mất thôi. Người Việt Nam chả sáng tạo ra được cái gì đâu, nhưng học lỏm thì nhanh nhất thế giới. Rồi các ngài xem.
Anh Tây cúi xuống lật giở tập ma két một lúc, rồi ngẩng lên hỏi vị trí của các trang quảng cáo. Bà giám đốc Thương mại nói sẽ xếp những trang này ở phía cuối tạp chí. Jannet lắc đầu, anh đòi đưa những trang quảng cáo đẹp, có giá tiền cao lên trang bìa hai và các trang đầu tiên của tạp chí. Bà Giám đốc lắc đầu quầy quậy, không được không được, những trang ấy chúng tôi dành để tuyên truyền những chủ trương mới của Đảng Đoàn, không ai đưa quảng cáo vào vị trí quan trọng như thế. Ở Việt Nam chúng tôi những trang đó gọi là trang cúng cụ. Đó là truyền thống, không thay đổi được, không đưa ảnh gái gẩm lên đấy.
Mình lại đần ra mất mấy giây. Có cách nào để diễn dịch cho mềm mại hơn đây? Cuộc tranh luận xem ra có chiều hướng... ban căng rồi. Mình chẳng bênh ta, cũng không ủng hộ Tây, mình chỉ ngả theo cái gì tiến bộ. Mình thấy cúng cụ ở mấy trang đầu báo Nhân dân thì được, chứ ở một tạp chí về mốt nghe không lọt.
Thôi thì lại tiếp thu và nghiên cứu. Jannet lôi tiếp ra mấy trang quảng cáo chí chít chữ và trang trí bằng hình khu nhà lớn, nhìn kiểu xây và sắp xếp thì có thể hiểu là nhà điều hành của một xí nghiệp nào đó. Jannet hỏi:
- Trang này quảng cáo gì vậy, nhìn cách thiết kế tôi hoàn toàn không hiểu.
- Đây là quảng cáo của một công ty giày – Bà giám đốc giải thích.
Jannet thả rơi tờ quảng cáo xuống bàn:
- Vậy sản phẩm giày của họ đâu rồi? Nhìn vào quảng cáo này tôi tưởng khách hàng của chúng ta muốn quảng cáo bán cái nhà. Ta nên tư vấn cho khách hàng thay đổi cách quảng cáo đi.
- Khách hàng họ trả tiền, họ muốn quảng cáo như thế nào thì kệ họ chứ - Bà giám đốc nói, không muốn làm phật ý khách hàng và thêm việc cho tòa soạn.
Nhưng Jannet khăng khăng:
- Trang quảng cáo này đưa vào tạp chí sẽ làm giảm giá trị của tạp chí. Và nhóm các khách hàng đẳng cấp sẽ cắt bỏ nguồn quảng cáo trên tạp chí của chúng ta vì họ không muốn “chung chiếu” với các quảng cáo như thế này. Cho dù khách hàng trả tiền, nhưng chúng ta là những người hiểu chuyên môn, chúng ta cần tư vấn và đào tạo họ. Hãy suy nghĩ thật rõ ràng. Nếu chị sản xuất giày, chị muốn khoe đôi giày chị làm ra thật đẹp. Để thuyết phục khách hàng mua, chị sẽ phải trưng ra đôi giày đẹp long lanh, khiến khách thèm muốn. Đằng này chị trưng ra ngôi nhà, với biết bao nhiêu là chữ dài dòng, chị muốn dùng chữ mà tả đôi giày ra sao ư? Khách hàng không tin đâu.
- Thế theo ý ngài thì thiết kế trang này thế nào? – Giám đốc Thương mại nhướn mày hỏi.
- Hãy tìm một cô người mẫu có đôi chân tuyệt đẹp. Tìm một nhiếp ảnh gia có hạng, chuyên chụp quảng cáo. Chỉ cần chụp đôi chân cô ấy đi đôi giày vừa khít. Làm sao cho toát lên vẻ đẹp của đôi chân, sự sang trọng của đôi giày. Phía chân trang chỉ cần logo và tên công ty giày, thế là đủ.
- Ôi trời ơi! – Bà giám đốc bật ngửa người – Thế chả lẽ không cho khách hàng người ta được nói về lịch sử của công ty ư? Đây là một công ty giày rất uy tín. Rồi những thành tích họ đạt được trong bao năm qua, giải quyết việc làm cho bao nhiêu lao động?
Jannet lắc đầu:
- Họ có thể tự in một cuốn sách để ca hát về chuyện đó, còn khi quảng cáo, thì bạn đọc của chúng ta, những khách hàng mua giày không quan tâm đến những chuyện bên lề. Tôi nhắc lại là chúng ta cần đào tạo cho khách hàng quảng cáo, để họ biết cách làm quảng cáo là như thế nào. Cần làm họ thay đổi cách tư duy.
Đào tạo khách hàng quảng cáo ư? Anh Tây này lại nói nghe chôi chối rồi. Người quảng cáo bỏ tiền ra cho mình là mình đã sướng phát rồ lên ấy chứ, họ muốn đưa cái gì vào trang quảng cáo mình cũng phải chấp nhận, miễn là không động chạm chính trị chính em. Nhân viên bán quảng cáo khó khăn lắm mới chạy được một trang quảng cáo, thuyết phục được khách hàng, thế mà anh này lại đòi đào tạo khách hàng quảng cáo. Điên quá.
Bá giám đốc Thương mại bảo nhỏ, tụi Tây này nó không hiểu tâm lý và điều kiện của người Việt. Làm theo được cách của nó thì mình vỡ mặt.
Bắt đầu một làn sóng
Anh nhà báo ăn lương chụp ảnh toàn phần của tạp chí mang hơn chục cái ảnh phóng to cỡ 20cm x 30cm lên để chọn bìa số mới. Nào hoa hậu, gái đẹp, gái duyên, gái đảm, ca sỹ, diễn viên thi nhau khoe sắc, thêm bàn tay của thợ chấm tút ảnh thủ công xóa bớt nốt ruồi, cạo mờ vết nhăn, thêm hồng cho má môi, vẽ bổ sung lông mi cong vút, nhưng ảnh nào cũng không đạt.
- Còn ảnh nào khác không? – Jannet hỏi.
- Còn... – Anh nhà báo ăn lương chụp ảnh toàn phần trả lời, thoáng do dự - Nhưng đó là những ảnh khá nhất rồi.
- Những tấm ảnh này không bao giờ dùng làm bìa tạp chí Mốt Mới được – Jannet khẳng định.
- Tại sao? – Bà giám đốc Thương mại chọn ra một tấm ảnh có hoa hậu năm ấy, chụp lúc cô vừa đăng quang, tấm áo dài sặc sỡ, và bao nhiêu hoa chúc mừng trước ngực, trên tay cô vẫy, và cả xung quanh – Đây là giây phút huy hoàng của cô gái đẹp nhất Việt Nam, vậy mà không lên bìa được sao?
- Phải nói là... – Jannet ngừng lại, nhăn trán suy nghĩ – It’s very nhaque.
Mình giật nảy, liếc nhanh anh nhà báo ăn lương chụp ảnh. Mình thấy anh cũng ngước nhìn mình, chờ dịch câu chuyên gia vừa nói. May quá, có lẽ anh đang hơi căng thẳng trước vị chuyên gia Thụy Sĩ nên không nghe được chữ “nhà quê” mà anh Tây tinh quái này vừa thốt ra lơ lớ. Sang Việt Nam mới hơn tháng trời, anh Tây học đâu được từ “nhà quê” mà lôi ra dùng trúng lúc thế. Quả là ma xó.
Anh Tây còn lắc đầu quầy quậy, chê bôi nào là ảnh bị loạn màu, có bao nhiêu màu trong bảng màu trưng hết lên đây, chưa kể màu nọ chọi màu kia, anh không hiểu tại sao vị nhiếp ảnh chụp bức ảnh này, mục đích gì, thông điệp gì, cho báo chí thể loại nào.
Mình hắng giọng, vờ nhấp một ngụm trà, rồi lại “diễn dịch”:
- Đó chỉ là cô hoa hậu, nhưng thiếu thông tin về mốt.
- Những người mẫu chuyên nghiệp của các bạn đâu? Những bộ sưu tập mốt mới ở đâu? Và nhà thiết kế mốt đâu? – Jannet tiếp tục hỏi dồn.
- Chúng tôi làm gì có người mẫu chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng không có nhà thiết kế mốt. Chúng tôi chỉ có thợ may – Bà giám đốc Thương mại thở dài.
Quả vậy, thời ấy, khi tạp chí Mốt Mới vừa ra đời, nó đã cực kỳ ấn tượng với những từ ngữ hiện đại, lạ tai, chưa bao giờ được dùng như: nhà tạo mốt, nhà thiết kế thời trang, siêu mẫu, chuyên gia trang điểm, bộ sưu tập mốt mới, biểu tượng thời trang... Riêng từ ngữ tạp chí sử dụng đã lạ lẫm, thì những con người trong giới thời trang lại càng lạ lẫm hơn, và chưa hề có ở xã hội Việt Nam. Sau khi nghe bà giám đốc Thương mại giải thích dài dòng về những thứ mà Việt Nam không biết, chưa có, không đủ điều kiện... mắt Jannet chợt sáng lên:
- Tốt lắm, như thế cũng tốt.
- Sao lại tốt? – Giám đốc Thương mại ngạc nhiên.
- Vì Mốt Mới sẽ là người dẫn đường. Tôi nhìn ra việc tạp chí có thể kinh doanh trong tình huống này. Song song với việc làm tạp chí, chúng ta sẽ phối hợp với các tổ chức khác để mở ra dịch vụ đào tạo người mẫu, nhà thiết kế thời trang, tổ chức các sự kiện thi thiết kế, thi siêu mẫu. Đây sẽ là những sự kiện, hoạt động vệ tinh của Mốt Mới, sinh ra tiền cho chúng ta. Những gì liên quan tới siêu mẫu, những cô gái khổng lồ xinh đẹp, và thời trang, mỹ phẩm, những thứ phụ trợ để họ trở thành những quái nhân đẹp đẽ, đều có lực hút khủng khiếp, là những cỗ máy in tiền. Xã hội của các bạn sẽ xôn xao lên vì những sự kiện mới mẻ này.
- Đào tạo ư? – Bà giám đốc Thương mại nhíu mày – Chúng ta đang còn nhức đầu về việc đẻ ra cái tạp chí này...
- Chị sẽ hết nhức đầu ngay thôi nếu thấy dịch vụ đào tạo có lợi như thế nào. Câu này tôi học trong một nhà hàng ở Hà Nội, chính người Việt nói đấy nhé: ở nhà đầu tư vào vợ, ra đường đầu tư vào giáo dục – đào tạo. Không gì lợi bằng đầu tư vào giáo dục – đào tạo.
Jannet càng nói càng hào hứng. Đôi mắt xanh ánh lên vui vẻ. Lọn tóc nâu rủ duyên dáng bị anh gạt thẳng sang trái không thương tiếc:
- Hôm trước chị vừa nói người Việt học lỏm nhanh nhất thế giới phải không. Tốt thôi, sau khi Mốt Mới đưa ra mô hình đào tạo, tiên phong trong việc tạo nên một loại nghề nghiệp mới ở nước các bạn, và loại hình giải trí thương mại mới, họ sẽ đua theo chúng ta đẻ ra những dịch vụ này như nấm, và như vậy rất có lợi cho tạp chí Mốt Mới: chúng ta có người mẫu để chụp ảnh lên tạp chí, có bộ sưu tập mốt mới để lăng xê, có hãng thời trang ra đời đặt quảng cáo trên tạp chí.
Giám đốc Thương mại gật gù tán thưởng:
- Ý kiến của ngài rất hay. Tôi chợt nghĩ ra, chúng ta sẽ phối hợp với cung Hữu nghị, trường đại học Mỹ thuật công nghiệp về đào tạo người mẫu và nhà thiết kế. Dựa vào Trung ương Đoàn Thanh niên gom nữ thanh niên đẹp toàn quốc dự thi người mẫu, làm mạnh hơn cả cuộc thi hoa hậu... Tạp chí Mốt Mới sẽ nổi như cồn.
Quả vậy, ngay sau đó, cùng với việc phát hành tờ tạp chí về mốt đầu tiên của Việt Nam, liên doanh Mốt Mới với tập đoàn báo chí của Thụy Sĩ đã đẻ ra những trung tâm, câu lạc bộ đào tạo và quản lý người mẫu, hỗ trợ ý tưởng giúp Đại học Mỹ thuật công nghiệp mở thêm ngành đào tạo thiết kế thời trang, tổ chức thi người mẫu, thi thiết kế mẫu thời trang... Những hoạt động mới mẻ, lạ lùng ấy đã không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng, của giới thương mại, mà còn tạo ra cả làn sóng lớn, làm nổi lên những danh xưng trong làng người mẫu, thiết kế thời trang... Thậm chí các tạp chí về mốt khác cũng đua nhau ra đời, cạnh tranh trực tiếp với Mốt Mới. Một loạt báo chí có chủ đề chẳng liên quan gì đến mốt, cũng dành đất để đăng mốt mới như một thứ văn hóa – giải trí vui vẻ. Nếu sau này, có cuốn sách viết về lịch sử ngành thời trang Việt Nam, nhất định phải ghi công của Jannet, người đã nêu ý tưởng và thúc đẩy đặt những viên gạch móng đầu tiên cho ngành thời trang Việt Nam sau năm 1975.
(Một số tên riêng trong bài đã được thay đổi)