Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ Đẳng Sâm
Dịp này, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức chuỗi sự kiện nâng tầm, tôn vinh cây dược liệu và bảo tồn văn hóa nhằm chào mừng 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 65 năm Thành lập Khu căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum và 20 năm ngày thành lập huyện Tu Mơ Rông.
Đặc biệt, Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế với chủ đề “Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” năm nay có sự tham gia của các đầu bếp giỏi đến từ nhiều quốc gia như, Lào, Trung Quốc, Thụy Sỹ,...
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Xuân Quang - Trưởng ban tổ chức cho biết: “Đây là sự kiện lớn, đặc sắc, quy tụ tinh hoa văn hoá ẩm thực trong nước và quốc tế, được tổ chức quy mô nhằm nâng tầm thương hiệu, đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh thành trong cả nước nói chung, giữa huyện Tu Mơ Rông với các địa phương trên cả nước nói riêng. Cũng như tăng cường xúc tiến giới thiệu điểm đến du lịch tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp gỡ, giao lưu trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc sản ẩm thực của địa phương”.
Tại lễ bế mạc hội thi, Công ty cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings đã trao quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ Đẳng Sâm (Sâm dây Ngọc Linh) cho UBND huyện Tu Mơ Rông.
Ông Chiêm Thành Long - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam, giám khảo hội thi ẩm thực dược liệu bày tỏ mong muốn: “Việc xác lập kỷ lục 120 món ăn từ Sâm dây Tu Mơ Rông sẽ đánh dấu bước đầu tiên trong việc giới thiệu rộng rãi Đẳng Sâm của Việt Nam ra toàn quốc và nước ngoài. Mong rằng sau này món Đẳng Sâm sẽ là nguyên liệu tốt cho sức khỏe và được phổ biến rộng rãi”.
Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế với chủ đề “Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh” với kết quả chung cuộc: giải Nhất thuộc về CLB Ẩm Thực Việt, xã Đắk Hà; Giải Nhì thuộc về Chi Hội đầu bếp Kon Tum, xã Đắk Sao, xã Măng Ri; Giải Ba thuộc về CLB Bếp Bánh, xã Đắk Rơ Ông, xã Tu Mơ Rông, xã Văn Xuôi; Giải Khuyến khích thuộc về CLB Bếp Trẻ, CLB Bếp Chay, CLB Ẩm thực Âu, Hội đầu bếp Gia Lai, Ẩm thực JaRai Food, xã Đắk Tờ Kan, xã Ngọk Yêu, xã Đắk Na, xã Tê Xăng, xã Ngọk Lây; Giải Giao thoa ẩm thực quốc tế thuộc về Hội đầu bếp Lào.
Bà Vông Đươn - Fong Sa Met (Lào), đại diện cho đội thi nước bạn chia sẻ: “Tôi nhìn thấy được sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức và sự chăm lo phát triển đời sống kinh tế của các dân tộc miền núi Tây Nguyên. Cuộc thi này là một hình ảnh của sự xúc tiến, nâng cao giá trị sản phẩm nông lâm nghiệp. Sự kiện này cho chúng tôi kinh nghiệm để thúc đẩy đồng bào các dân tộc tỉnh Attapeu làm theo để cùng nhau phát triển kinh tế, xã hội ngày càng vững mạnh”.
Hội thi ẩm thực dược liệu năm nay có sự tham gia của các đầu bếp giỏi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới là một sự khẳng định của bạn bè quốc tế đối với sức hút và giá trị của sâm dây Tu Mơ Rông.
“Huyện đã từng tổ chức hội thi ẩm thực rồi, nhưng lần này hội thi được mở rộng ra quốc tế nên mình thấy rất tuyệt vời. Các món ăn đều làm từ Sâm - là sản vật quý hiếm của huyện Tu Mơ Rông nên đồ ăn rất đặc biệt” - Chị Ngọc Ánh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) chia sẻ cảm nghĩ.
Hội thi ẩm thực dược liệu lần này cũng là dịp để các địa phương trong và ngoài tỉnh giới thiệu những món ngon đến với du khách gần xa, qua đó quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch của địa phương.
Chuỗi hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Xơ Đăng
Tại hội thi, ông Phạm Xuân Quang - Trưởng ban tổ chức cũng đồi thời cho biết: “Huyện Tu Mơ Rông là nơi hội tụ cảnh quang thiên nhiên cùng hệ thống thác nước, di sản, di tích lịch sử văn hoá phong phú. Đây cũng là nơi có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Tu Mơ Rông hội tụ tinh hoa ẩm thực đa dạng, phong phú, khởi nguồn từ quá trình sinh sống, lao động của đồng bào dân tộc Xơ Đăng”.
Đến tham gia hội thi, du khách và người dân không chỉ được chiêm ngưỡng và nếm thử những món ăn độc đáo từ sâm dây, mà còn được thưởng thức các tiết mục trong liên hoan cồng chiêng, Xoang thanh thiếu niên trường học 2024, hòa mình vào không khí sôi động của hội thi giã gạo truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng trên địa bàn,...
Đặc biệt, thông qua liên hoan cồng chiêng, Xoang thanh thiếu niên trường học, huyện kỳ vọng sẽ tìm kiếm thêm được nhiều tài năng có tình yêu với cồng chiêng để bồi dưỡng, giúp các em trở thành người kế tục lớp cha ông, bảo tồn kho tàng văn hóa quý giá, độc đáo của đồng bào Xơ Đăng.
Hội thi giã gạo cũng được đón chờ hơn khi huyện đã xây dựng được vùng trồng gạo ngon nhất thế giới ST25. Đây là loại gạo có giá trị dinh dưỡng, các khu ruộng lúa bậc thang cũng trở thành đặc sản du lịch của huyện Tu Mơ Rông.
Chuỗi các hoạt động bảo tồn văn hóa này góp phần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa Tu Mơ Rông với các hiệp hội du lịch, các địa phương trong và ngoài tỉnh cùng chung tay xây dựng tuyến du lịch mới, mở rộng thị trường du lịch, hướng tới thúc đẩy giao lưu văn hóa, phát triển bền vững góp phần nâng cao uy tín và sức hút du lịch của địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, Em Y Tuyết (xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) nói: “Em thấy rất vui và hào hứng với các hoạt động hôm nay”. Anh Vũ Hữu Nông (xã Đắk Tô, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) cũng tỏ ra háo hức với không khí của hội thi: “Mình thấy rất vui. Không khí cũng tấp nập, nhộn nhịp. Lần đầu tiên mình thấy huyện Tu Mơ Rông có hội thi lớn như thế này”.
Ngoài ra, tại hội thi còn có nhiều hoạt động thú vị khác như đấu giá tranh trên đá để hỗ trợ học sinh vùng cao, cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về du lịch huyện Tu Mơ Rông, trò chơi lớn: đi tìm truyền thuyết Quốc bảo Sâm Ngọc Linh…
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức hội thi ẩm thực với các món ăn chế biến từ dược liệu cũng như các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Điểm mới của lần thi này là được nâng tầm thành Hội thi quốc tế. Huyện là đơn vị cung cấp Đẳng Sâm đủ điều kiện, đủ dưỡng chất để cho các đầu bếp chế biến các món ăn. Thông qua hội thi, huyện mong muốn hình ảnh và những tính năng hữu ích dược liệu của huyện Tu Mơ Rông được đến gần hơn với công chúng, đến với người dân và đến với thế giới./.