Cụ thể, trận động đất đầu tiên trong ngày xảy ra vào 9 giờ 31 phút 31 giây tại toạ độ 14.783 độ vĩ Bắc - 108.331 độ kinh Đông thuộc huyện Kon Plông. Trận động đất này có độ lớn 3.9, độ sâu 8.1 km.
Chưa đầy một phút sau, cũng tại khu vực này, một trận động đất lớn hơn với độ lớn 4.0 lại xảy ra tại vị trí có toạ độ 14.769 độ vĩ Bắc -108.314 độ kinh Đông.
Trận động đất lớn nhất với độ lớn 4.2, độ sâu chấn tiêu 8.1 km xảy ra vào lúc 9 giờ 48 phút, tại toạ độ 14.790 độ vĩ Bắc -108.323 độ kinh Đông.
Cập nhật đến 14 giờ chiều nay, tại khu vực huyện Kon Plông đã xảy ra liên tiếp 10 trận động đất, độ lớn từ 2.5 đến 4.2. Từ đầu tháng 7 đến nay, khu vực này cũng xảy ra 3 trận động đất, độ lớn từ 2.6 đến 3.7 độ.
Thống kê cho thấy, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Thời gian gần đây, tần suất xảy ra và độ lớn của các trận động đất tại khu vực này có xu hướng tăng dần. Trận động đất có độ lớn cao nhất tại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, tính từ đầu tháng 7/2023 đến nay đã xảy ra 13 trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, riêng trong sáng 07/7 là 9 trận.
Cũng trong sáng nay, có 01 trận động đất nữa đã xảy ra tại khu vực huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có độ lớn 3,1 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.799 độ vĩ Bắc, 108.618 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo đánh giá từ các số liệu cho thấy, những trận động đất là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định. Vì thế, có những đợt liên tiếp xảy ra động đất trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.
Dự báo, hoạt động động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong vòng 6 tháng tới, có độ lớn không qua 5,5 độ Richter. Viện Vật lý Địa cầu sẽ thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn. UBND các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.