Tiến tới mục tiêu xanh, nông dân thấy rõ lợi ích bền vững sẽ chuyển đổi xanh

Nông dân thấy rõ lợi ích bền vững sẽ chuyển đổi xanh. Nhà nông của Việt Nam đã làm mô hình vườn- ao- chuồng, đây là nền tảng của sản xuất tuần hoàn, nhưng muốn chuyển đổi hoàn toàn thì phải làm từng bước; đồng thời hỗ trợ tạo chuỗi liên kết để nông dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững.

Trên đây là nội dung đại biểu trao đổi tại Ngày Bắc Âu với chủ đề "Tiến tới mục tiêu xanh" diễn ra ngày 22/10 tại TP.HCM. Sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 do Eurocham và Bộ Công thương tổ chức.

nong-dan-chuyen-doi-xanh-1-1729605628.jpg
Các đại biểu tại sự kiện Ngày Bắc Âu - Tiến tới mục tiêu xanh.

Sự kiện Ngày Bắc Âu – Tiến tới mục tiêu xanh sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các nước Bắc Âu với Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn và hệ thống thực phẩm bền vững để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyển đổi năng lượng xanh là điều kiện tiên quyết cho việc chuyển đổi xanh

Tại Ngày Bắc Âu với chủ đề "Tiến tới mục tiêu xanh", các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững và ứng dụng tăng trưởng xanh thành công tại các quốc gia Bắc Âu. Các quốc gia này cũng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: Chuyển đổi năng lượng xanh là điều kiện tiên quyết cho việc chuyển đổi xanh ở các lĩnh vực khác, ví dụ, vận tải và công nghiệp. Chuyển đổi năng lượng xanh đồng thời cũng đóng vai trò then chốt để phát triển kinh tế phát thải carbon thấp. Đây không chỉ là một "mệnh lệnh" về khí hậu, mà còn là một cơ hội kinh tế.

"Khi hành động cùng nhau, chúng ta có thể tối ưu hóa các nguồn tài nguyên đang có, giảm lượng khí thải và nêu gương trong việc phát triển các giải pháp năng lượng xanh. Với sự kiện hôm nay, chúng tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng và thúc đẩy sự thay đổi. Thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là tầm nhìn, chính sách và các mô hình thúc đẩy, chúng tôi mong muốn tìm hiểu những lĩnh vực mà các nước Bắc Âu có thể hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới thịnh vượng và trung hòa khí hậu", Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh.

nong-dan-chuyen-doi-xanh-2-1729605667.jpg
Khách tham quan mô hình thiết bị rác tự huy tại Ngày Bắc Âu.

Chia sẻ tại sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Hilde Solbakken cho rằng, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa quan vô cùng quan trọng cho sự bền vững. Phương pháp tiếp cận của khu vực Bắc Âu chú trọng tới việc tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu chất thải, và tăng cường tiêu dùng bền vững.

Các khía cạnh chính bao gồm kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua tái chế, tái sử dụng, và sửa chữa, cùng với các sáng kiến hiệu quả như cơ chế đặt cọc hoàn trả và tái chế rác thải điện tử. Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể xây dựng các chiến lược tương tự để giảm thiểu việc phụ thuộc vào nguyên liệu thô, nâng cao hiệu quả quản lý rác thải, và giảm tác động tới môi trường.

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto khẳng định: Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, gây ảnh hưởng đến mọi cá nhân và trên mọi lĩnh vực. Nhu cầu cấp thiết hiện này là có các chính sách và các hoạt động mạnh mẽ, góp phần định hình các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Vườn- ao- chuồng là nền tảng của sản xuất tuần hoàn

Quan tâm đến chủ đề kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, tại sự kiện GEFE 2024, hàng trăm các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng như khu vực Bắc Âu đã tham gia triển lãm kinh tế xanh, chuyên về các lĩnh vực như: Logistics, nông nghiệp, năng lượng như điện gió, hydrogen và lưu trữ năng lượng… các doanh nghiệp đến từ Bắc Âu cũng bày tỏ mong muốn được đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ và đầu tư tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng trong các lĩnh vực năng lượng xanh.

Tiến sĩ, Teija Kirkkala, Giám đốc điều hành tại Viện Pyhajarvi (Phần Lan) cho rằng, biến đổi khí hậu tác động rất lớn để sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng nên cần hướng nông dân sản xuất xanh và sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý. Kinh nghiệm trong việc truyền tải kiến thức sản xuất bền vững cho nông dân ở Bắc Âu là tương tác 2 chiều thì mới hiệu quả.

nong-dan-chuyen-doi-xanh-4-1729605613.jpg
Nhà nông của Việt Nam đã làm mô hình vườn- ao- chuồng. Đây là nền tảng của sản xuất tuần hoàn, nhưng muốn chuyển đổi hoàn toàn thì phải làm từng bước.(Ảnh minh họa)

Còn ông Trần Long Hải, nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ chia sẻ, nhà nông của Việt Nam đã làm mô hình vườn- ao- chuồng. Đây là nền tảng của sản xuất tuần hoàn, nhưng muốn chuyển đổi hoàn toàn thì phải làm từng bước.

Theo ông Hải, nông dân Việt Nam nên ứng công nghệ Châu Âu vào sản xuất, phát triển cây trồng bản địa. Nhóm nghiên cứu của ông đang phát triển các cây cỏ bản địa làm thức ăn cho gia súc và tận dụng phế phẩm nông nghiệp như bã đậu nành làm thức ăn cho gia súc, giảm nhập khẩu nguyên liệu, giảm phát thải.

Ông Hải kiến nghị, để thúc đẩy sản xuất nông sản sạch thì ngành chức năng phải hỗ trợ tạo chuỗi liên kết để nông dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững, chứ không chỉ dừng ở tuyên truyền.

"Sản xuất thực phẩm sạch thì người nông dân cũng biết nhưng điều kiện áp dụng còn rất khó khăn. Chúng ta không chỉ nông dân cách làm nhưng còn phải xây dựng chuỗi giá trị để có thể xây dựng được liên kết để người nông thu được lợi nhuận bền vững. Điều đó cần có sự tham gia của nhiều bên, nghiên cứu hình thành chuỗi liên kết thì người sản xuất có động lực thay đổi", ông Hải nói.

nong-dan-chuyen-doi-xanh-3-1729605751.jpg
Để thúc đẩy sản xuất nông sản sạch thì ngành chức năng phải hỗ trợ tạo chuỗi liên kết để nông dân chuyển đổi hiệu quả, bền vững. (Ảnh minh họa)

Bà Trần Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Yara Việt Nam, Châu Á và Châu Phi cho rằng, để nông dân chuyển đổi sang canh tác nông nghiệp tái tạo cần sự hợp tác, tạo ra một chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra.

Trong đó, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phải đảm bảo thân thiện với môi trường. Tiếp theo, nhà thu mua là yếu tố rất quan trọng. Nếu họ giúp nông dân nhận ra hiệu quả của sự khác biệt giữa nông sản sạch và chưa sạch, có sự chênh lệnh về giá thành và lợi ích thì sẽ tạo động lực cho nông dân chuyển đổi sản xuất.

Hiện Yara đã dùng công nghệ Châu Âu, sử dụng nguyên liệu nội địa là phân gà để tạo ra sản phẩm phân hữu cơ, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nông dân và liên kết tiêu thụ  nông sản sạch.

Bà Trúc nói: "Yara  kết nối cung cung ứng đối  tác  thu mua sản phẩm đầu ra của nông dân giá mua ổn định, cao hơn. Từ đó, nông dân canh tác có hiệu quả và cho ra nguồn thực phẩm sạch"./.

Trọng Bình