Kinh tế số chuyển hướng xanh và bền vững
Kinh tế số Việt Nam đang xếp hạng số 1 khu vực về tốc độ tăng trưởng. Muốn thúc đẩy hoạt động này hiệu quả thực chất, cần nhận diện những cơ hội và thách thức, để năm 2024 không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng, mà còn điều hướng mọi hoạt động kinh tế số theo xu thế xanh-bền vững, tạo nền tảng cho các giai đoạn kinh tế tiếp theo.
Việt Nam tiếp tục là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực, với thương mại điện tử 2023 tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán trực tuyến tăng gần 20% so với năm trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số số 1 khu vực là thành quả của rất nhiều nỗ lực từ tầm vĩ mô đến cấp doanh nghiệp, người dân suốt Năm Dữ liệu số quốc gia.
Để đạt thành quả đó, nỗ lực chuyển đổi số đã được đẩy mạnh trên nền tảng chiến lược phát triển 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã đạt mức 12,3%.
Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Hoạt động này đang và sẽ còn tiếp tục đóng góp lớn cho kinh tế nước nhà, đặc biệt trong năm 2024. Mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% GDP đang có rất nhiều thuận lợi nếu toàn nền kinh tế sớm nhận diện để có giải pháp hạn chế các bất cập, thách thức”.
Về thuận lợi: chúng ta phát triển trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định và phát triển tương đối tốt; Chính phủ có rất nhiều nỗ lực phát triển kinh tế số; Khu vực doanh nghiệp thì rất năng động, cố gắng nắm bắt tất cả tiến bộ khoa học công nghệ; lực lượng lao động trẻ và thị trường rất lớn; Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, lộ trình tốt để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên còn nhiều thách thức: so với các nước trong khu vực và châu Á, mức độ trưởng thành số doanh nghiệp Việt Nam chưa cao; giáo dục Việt Nam chưa hoàn toàn theo kịp xu thế phát triển kinh tế số - nhân lực chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi KTS. Ngoài ra, về thể chế pháp luật, đây là vấn đề mới, khó không chỉ riêng với Việt Nam - đều phải rà soát lại tất cả làm sao đảm bảo mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế số.
Những chiến lược tạo lực đẩy cho kinh tế số
Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững”.
Chỉ tiêu được đặt ra trong lĩnh vực kinh tế số năm 2024 với tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 40 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25%. Tỷ lệ đóng góp của tổng các cấu phần kinh tế số vào GDP đạt từ 19%-20%. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 7,5%.
Định hướng đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% GDP cả nước, tăng trưởng từ 20% - 25%/năm, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam đã chính thức đặt ra những mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi số trong xã hội và kinh tế, đồng thời tạo ra cơ hội và thách thức mới. Chiến lược này đã xác định rõ những mục tiêu cụ thể đến năm 2024:
Phát triển Dữ liệu Số: Xây dựng Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về người dân, doanh nghiệp, và đất đai, đạt 100% đối với mỗi lĩnh vực.
Phát triển Định danh Số: Đạt tỷ lệ 70% dân số sở hữu danh tính số, với mỗi danh tính phát sinh trung bình 100 lượt sử dụng mỗi năm.
Phát triển Thanh toán Số: Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%, với 50% thanh toán thương mại điện tử không sử dụng tiền mặt. Tỷ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không sử dụng tiền mặt đạt 75%.
Phát triển Kỹ năng Số: Đào tạo kỹ năng số cho 70% công nhân tuyển dụng mới và đào tạo lại. Tỷ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%. 100% học sinh phổ thông và sinh viên được đào tạo kỹ năng số.
Phát triển Nhân lực Số: Tỷ lệ học sinh phổ thông tiếp cận STEM/STEAM đạt 70%. Đưa vào hoạt động 5 đại học số thí điểm. Tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người.
Việt Nam, với quy mô dân số lớn và sự thích ứng nhanh chóng của người dân với công nghệ mới, có cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của chiến lược quốc gia. Đây sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thực tế cho thấy, muốn đạt được mục tiêu, cần quan tâm nhận diện, thúc đẩy những thuận lợi, cơ hội hiện có và nỗ lực giải quyết các khó khăn, thách thức đã được các chuyên gia chỉ rõ. Trong đó, phát triển kinh tế số trong xu thế phát triển xanh-bền vững của nền kinh tế toàn cầu./.