Phát triển kinh tế số để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
0d9a3441-1695445708.JPG
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạng Hùng tại Diễn đàn quốc gia "Phát triển kinh tế số và xã hội" - Ảnh:Khánh Hà

Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới đây. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Tại Diễn đàn quốc gia "Phát triển kinh tế số và xã hội" số lần thứ nhất, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số - xã hội số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế thế giới và mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Với tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đề ra 8 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025 - 2045, trong đó, có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạng Hùng, phát triển kinh tế số, xã hội số là trọng tâm chiến lược của Việt Nam trong trung và dài hạn. Mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn và đây là mục tiêu quan trọng, bất biến trong quá trình phát triển kinh tế số của Việt Nam.

Theo ước tính và báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á.

Năm 2022, có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. Điều này cho thấy chúng ta đang có cơ hội và khai thác tốt cơ hội đó, điều này càng có ý nghĩa khi chúng ta đang có chủ trương tiếp tục thực hiện nhất quán chiến lược phát triển kinh tế xã hội gắn với đổi mới và hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kết quả tích cực ban đầu tại thị trường nước ngoài cho thấy hiệu quả về hội nhập quốc tế trong nền kinh tế số và nền tảng số, đây là định hướng đáng quý, đóng góp thiết thực vào quan điểm đường lối của đảng không chỉ hội nhập quốc tế có hiệu quả mà xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường, tự chủ.

Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục được phát triển. 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, điểm sáng mới trong phát triển xã hội số ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là một số tỉnh đã có số lượng tài khoản thanh toán được mở tại các ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đã vượt mức dân số bình quân của tỉnh, có thể kể đến như Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang.

Phát triển nền tảng số “Make in Vietnam”

Ngành công nghiệp công nghệ số đã trở thành 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng được nêu trong Nghị quyết 29. Các doanh nghiệp công nghệ dù là phát triển công nghệ, sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như một dịch vụ đều là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội, góp phần triển khai và thực hiện chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam - Make in Vietnam.

Vì vậy, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo lập khung pháp luật cho phát triển sản xuất thông minh và phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo định hướng "Make in Vietnam".

Đồng thời, các doanh nghiệp phải biến công nghệ số thành động lực quan trọng cho sáng tạo, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, giúp Việt Nam bắt kịp với xu thế phát triển chung của thế giới và khu vực, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế.

0d9a3398-1695445804.JPG

Các đại biểu dự Diễn đàn quốc gia "Phát triển kinh tế số và xã hội" nghe giới thiệu các nền tảng số "Make in Vietnam" - Ảnh:Khánh Hà

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt vào đầu tháng 6 là bản lề quan trọng về khung chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mắt xích quan trọng trong chương trình Chuyển đổi số là giới thiệu và phát triển các nền tảng số “Make in Vietnam”.

Việt Nam đang nỗ lực hướng đến mục tiêu vào năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam. Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Việt Nam vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan Nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về đổi mới sáng tạo (GII) cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Với tinh thần đó, có thể thấy, phát triển kinh tế số vừa là áp lực thời đại, vừa là cơ hội duy nhất để Việt Nam vượt thoát "bẫy thu nhập trung bình" và sớm hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường.

Khánh Hà