Kinh tế Hàn Quốc gặp khó, đâu là giải pháp?

Kinh tế Hàn Quốc đang đối mặt nhiều thách thức đến từ xung đột Nga-Ukraine, sự thay đổi chính sách tiền tệ của các nước lớn và lạm phát tăng cao.
3247-0417-sau-yyi-dych-covid-19-nyn-kinh-ty-han-quyc-tiyp-tyc-yyi-myt-vyi-nhiyu-thach-thyc-nguyn-yonhap-1650252014.jpg
Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức - Ảnh: Người dân di chuyển trên một con phố ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)

Trong báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Hyundai (Hàn Quốc) đã giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc năm nay từ 2,8% xuống 2,6%. Nghiên cứu nhận định nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 2,7% trong nửa đầu năm 2022 và 2,5% trong nửa sau.

Nhiều nguy cơ

Trước đó, ngày 12/4, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết, nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn dự kiến trước đó, trong khi lạm phát tăng cao hơn, giữa bối cảnh bất ổn kinh tế ngày một nhiều do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.

Hồi tháng 12/2021, cơ quan này từng dự báo nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng 3,1% và giá tiêu dùng tăng 2,2% trong năm 2022. Nhưng Hàn Quốc sau đó đã phải đối mặt ngày càng nhiều khó khăn khi xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng chi phí năng lượng.

Các chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Hàn Quốc dự kiến sẽ duy trì ở mức 2%, song lạm phát có thể tăng lên 4%. Chỉ riêng trong tháng Ba, giá tiêu dùng của Hàn Quốc đã tăng hơn 4% lần đầu tiên trong hơn 10 năm, giữa lúc giá năng lượng tăng mạnh.

Ổn định giá cả là chìa khóa

Trong bối cảnh đó, người được đề cử là Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong ngày 17/4 khẳng định BoK sẽ tập trung nỗ lực ổn định giá cả. Ngày 14/4, BoK đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% lên 1,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ tư của cơ quan này kể từ tháng 8/2021, nhằm kiềm chế lạm phát và nợ hộ gia đình.

Theo ông Rhee, chính phủ và BoK cần phối hợp chặt chẽ để điều phối các chính sách tài khóa và tiền tệ, trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc sắp tới dự định thúc đẩy một gói ngân sách bổ sung - yếu tố có khả năng sẽ khiến lạm phát tăng lên.

Cũng trong ngày 17/4, BoK công bố một báo cáo nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương cần "tích cực" tận dụng chính sách tiền tệ như một công cụ để giảm lạm phát vào thời điểm giá tiêu dùng đang ngày càng tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng, giá hàng hóa cao và chi tiêu tiêu dùng phục hồi.

Báo cáo nhấn mạnh, với áp lực lạm phát lan rộng theo mọi hướng và sẽ tiếp tục tăng, BoK cần điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm bớt những lo ngại về lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn. Báo cáo cũng phân tích các lựa chọn chính sách khác nhau mà các quốc gia lớn đã thực hiện để ứng phó với tình trạng giá hàng hóa tăng cao sau cú sốc dầu mỏ vào những năm 1970.

Cụ thể, Đức đã kết hợp chính sách thắt chặt tiền tệ và mở rộng các gói tài khóa dựa trên quan điểm lạm phát kéo dài là do ngân hàng trung ương đã “bơm” một lượng lớn tiền vào nền kinh tế. Trong khi đó, Mỹ và Anh lại nới lỏng cả chính sách tài khóa và tiền tệ vì nguyên nhân của lạm phát chủ yếu là do chi phí cao.

Kết quả, Mỹ và Anh tiếp tục đối mặt với thách thức kinh tế vĩ mô như lạm phát và thất nghiệp cao đầu những năm 1980, nhưng Đức ghi nhận tình hình kinh tế tương đối thuận lợi khi tình trạng lạm phát và thị trường việc làm trở nên ổn định.

Theo BoK, tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ duy trì lâu hơn so với dự kiến ban đầu, giá nguyên liệu thô trên thị trường quốc tế đang tăng mạnh trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Các biện pháp phòng chống Covid-19 chặt chẽ của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại rằng sự gián đoạn nguồn cung sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài.

Cùng lúc đó, áp lực từ phía cầu đối với lạm phát cũng sẽ gia tăng do tiêu dùng trong nước đang có dấu hiệu phục hồi, sau khi Hàn Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.