Kiến nghị của HoREA về chủ trương “tập trung đất đai, tích tụ đất đai”

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy khái niệm “dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp” chỉ là cách nói dân gian và chỉ là một phần của hoạt động “dồn điền, đổi thửa đất” và thực chất đây là hoạt động “hoán đổi đất” gắn liền với “hợp thửa đất”.

Nhưng hoạt động “dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp” không chỉ “gắn với quy hoạch lại giao thông, thuỷ lợi nội đồng” mà còn có thể xuất phát từ nhu cầu “hoán đổi đất, hợp thửa đất nông nghiệp” của các bên liên quan, nhất là do lịch sử để lại khi thực hiện chính sách chia lại ruộng đất cho hộ gia đình mấy chục năm trước đây, dẫn tới tình trạng mỗi hộ có nhiều mảnh đất nhỏ nằm rải rác (có ruộng tốt, ruộng trung bình, ruộng xấu; có ruộng gần, ruộng xa).

1-1659767694.jpg
HoREA kiến nghị bỏ cụm từ “thửa đất có diện tích nhỏ” tại khoản 38 Điều 3 để đảm bảo sự phù hợp với chủ trương “tập trung đất đai, tích tụ đất đai”.

Hoạt động “hoán đổi đất, hợp thửa đất” không chỉ đáp ứng nhu cầu “hoán đổi đất, hợp thửa đất nông nghiệp (dồn điền, đổi thửa)”, mà còn có thể thực hiện đối với “đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị”, hoặc “đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công)”, hoặc “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” do đã có các quy định dưới luật sau đây:

1. Khoản 11 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 14a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định “Giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý” tại đô thị hoặc khu dân cư nông thôn đã cho phép “thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề”, thực chất là cho phép “hợp thửa đất”.

2. Khoản 13 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định cơ chế xử lý trường hợp khu đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại đối với “Trường hợp diện tích đất không đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất để giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định”, thực chất là cho phép “hợp thửa đất”.

3. HoREA nhận thấy, không nên chỉ quy định đối với “các thửa đất có diện tích nhỏ, phân tán”, bởi lẽ trong thực tế có cả “các thửa đất có diện tích lớn, rất lớn” để thực hiện chủ trương “tập trung đất đai, tích tụ đất đai” đã được xác định trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.

Hơn nữa, nếu quy định “các thửa đất có diện tích nhỏ” thì sẽ gây ra “rắc rối” trong thực thi pháp luật vì cần phải có văn bản dưới luật để quy định thế nào là “thửa đất có diện tích nhỏ”. Do vậy, cần phải bỏ cụm từ “các thửa đất có diện tích nhỏ” để chuẩn xác hơn.

Hoạt động “dồn điền, đổi thửa” là thông qua việc thực hiện quyền chuyển đổi đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn để phát triển kinh tế nông hộ là hình thức phổ biến mà nhiều địa phương đã và đang thực hiện. Đây là yêu cầu tập trung đất đai để hộ gia đình, cá nhân có được các thửa đất có quy mô diện tích lớn hơn để tổ chức sản xuất thuận lợi do có điều kiện để cơ giới hóa và thâm canh để mang lại hiệu quả.

Từ thực tế đó, HoREA đề nghị sửa khoản 38 Điều 3 như sau: “Hoán đổi đất, hợp thửa đất (trong nông nghiệp gọi là dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp) là việc sắp xếp lại các thửa đất phân tán thành các thửa đất mới có quy mô lớn hơn thông qua hoán đổi, hợp thửa quyền sử dụng đất gắn với quy hoạch lại giao thông, thuỷ lợi nội đồng, hoặc nhu cầu hoán đổi, hợp thửa quyền sử dụng đất của các bên liên quan nhằm tạo thuận lợi cho công tác chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, hoặc cải tạo xây dựng nhà ở, hoặc cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp”.

Đạm Quang Lê