Cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc (xã Tân Thái, huyện Đại Từ) do Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group thực hiện, với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Tỉnh Thái Nguyên giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật. Đồng thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến dự án theo đúng các quy định.
Việc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc của Flamingo Group bị thu hồi dấy lên nghi ngại về năng lực tài chính thực hiện của nhà đầu tư tư. Tuy nhiên, sau đó, Flamingo Group đã có thông cáo báo chí khẳng định công ty đã chủ động đề xuất chấm dứt hoạt động đầu tư chứ không phải do không đủ năng lực tài chính.
Trước đó, ngày 19/7/2022, Flamingo Group đã có báo cáo tình hình thực hiện và chủ động xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc dù vẫn đang trong thời hạn triển khai dự án.
Nguyên nhân mà Flamingo Group muốn chấm dứt thực hiện dự án là do còn vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng, việc đền bù với các hộ dân có đất trong dự án vẫn đang bế tắc, các bên chưa tìm được tiếng nói chung, khi mà người dân yêu cầu mức giá đến bù quá cao so với phương án.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group tiền thân là Công ty Cổ phần Hùng Vương, được thành lập ngày 29/1/2007. Hiện công ty có vốn điều lệ 1.636 tỷ đồng, người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc hiện nay là bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1970).
Từ lâu, Flamingo Group được biết đến là một "tay to" trong giới bất động sản, chủ yếu là lĩnh vực khu du lịch nghỉ dưỡng với nhiều dự án các địa phương như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng... và công ty cũng đang đề xuất đầu tư tại Lâm Đồng.
Về hoạt động kinh doanh, trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Flamingo Group trồi sụt theo từng năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 60 tỷ đồng thì sang năm 2017 tăng lên 126 tỷ đồng, sau đó giảm xuống 55 tỷ đồng vào năm 2018, rồi tăng lên 64 tỷ đồng năm 2019, năm 2022 công ty bứt phá doanh thu đạt hơn 470 tỷ đồng.
Đáng nói, năm 2020 mặc dù doanh thu tăng đột biến nhưng năm 2020 cũng là năm Flamingo Group bất ngờ ghi nhận lỗ sau thuế 17,4 tỷ đồng. Trước đó, trong cùng giai đoạn 2016 - 2019, lợi nhuận công ty đạt được cũng khá bọt bèo, ngoại trừ mức đỉnh 11,4 tỷ đồng năm 2016; năm 2017 đạt 1,5 tỷ đồng; năm 2018 đạt 810 triệu đồng và 2 tỷ đồng cho năm 2019.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản Flamingo Group đạt 3.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 810 tỷ đồng, nợ phải trả xấp xỉ 2.294 tỷ đồng. Như vậy, ngoài kết quả kinh doanh kém khả quan, công ty cũng đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang là 3,1 lần.
Việc nợ phải trả cao hơn 3 lần so với vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn hoạt động của Flamingo Group hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Mặt khác, việc triển khai các dự án sẽ gặp khó khăn khi xoay vốn, chính bởi thế mà doanh nghiệp lại càng phải đi vay. Cuối năm 2021, Flamingo Group đã vay 600 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (thời gian đáo hạn là cuối năm 2024.
Ngày 18/8/2022, Flamingo Group đã công bố báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành trái phiếu trong năm 2021, theo đó, công ty đã hoàn tất giải ngân 600 tỷ đồng trái phiếu theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, trong quý IV/2021 và quý I/2022, công ty đã sử dụng 300 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Flamingo Thái Nguyên. Bên cạnh đó, công ty cũng sử dụng 300 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Flamingo Hải Tiến.
Với lô trái phiếu trên, Flamingo Group công bố đã 2 lần thanh toán số tiền lãi với tổng số tiền gần 24 tỷ đồng (đợt tháng 3/2022 và tháng 6/2022). Như vậy, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn thanh toán lãi cho các nhà đầu tư, tuy nhiên, nhà đầu tư cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm khi trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ nhiều rủi ro, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý nhiều lần đã phát đi cảnh báo về việc này, đặc biệt là vụ lừa đảo tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Các nhà đầu tư cần lưu ý trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, loại hình này được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Nghĩa là khả năng trả nợ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình tài chính và kinh doanh của công ty.