Thu hồi đất giao cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại ở Phú Quốc: Quá nhiều bất công và thiệt thòi cho người dân!

Lời tòa soạn: Tại khoản 1, Điều 73, Luật Đất đai 2013 quy định: Việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này (vì mục đích quốc phòng, an ninh và để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tức là, doanh nghiệp muốn thực hiện dự án phải trực tiếp làm việc với người dân, người dân có quyền thỏa thuận về giá chuyển nhượng, giá thuê đất với doanh nghiệp… Thế nhưng, tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang) đang xảy ra hàng loạt vụ việc chính quyền trực tiếp thu hồi đất của người dân, không chỉ thế còn không có quyết định thu hồi đất, không thực hiện bồi thường theo quy định… nhưng vẫn lấy đất giao mặt bằng “sạch” cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện khu đô thị, thương mại, chung cư, nhà ở, biệt thự… có giá lên đến hàng trăm triệu đồng/m2. Tạp chí Doanh nghiệp Kinh tế xanh xin khởi đăng loạt bài phản ánh về thực trạng trên.

Bài 1: Dự án Vịnh Đầm: Hàng loạt sai phạm trong thu hồi đất, Tòa án tuyên người dân “thắng kiện”!

Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang đã tuyên một hộ dân thắng kiện UBND TP. Phú Quốc, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và UBND tỉnh khi chính quyền ở đây thu hồi đất giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án kinh doanh thương mại nhưng không có quyết định thu hồi đất (đối với hộ dân có đất), không thực hiện bồi thường cho người dân…

Tại Bản án sơ thẩm số 116/2022/HC-ST ngày 02/8/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang về nội dung bà Trần Hoa Sen, sinh năm 1967 (Đ/c: tổ 4, ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) khởi kiện Ủy ban nhân dân TP. Phú Quốc (người đại diện là ông Huỳnh Quang Hưng, chức vụ Chủ tịch); Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (người đại diện theo pháp luật là ông Lâm Minh Thành, chức vụ Chủ tịch); Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc (người đại diện là ông Nguyễn Thanh Tùng, chức vụ: Trưởng ban).

Theo nhận định của Tòa án: Bà Trần Hoa Sen có diện tích đất 4.746,4m2 đất có nguồn gốc do ông Nguyễn Văn Sang khai khẩn sử dụng từ năm 1993, ông Sang chuyển nhượng lại cho bà Nguyễn Thị Loan, sau đó bà Loan chuyển nhượng lại cho bà Sen tiếp tục sử dụng và đã được UBND xã Dương Tơ (TP. Phú Quốc) xét duyệt nguồn gốc đất 2 lần.

anh-1-1661396499.jpg
anh-2-1661396499.jpg
Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang phải hủy một phần quyết định giao đất và hủy giấy chứng nhận QSDĐ liên quan đến phần đất của bà Sen đã cấp cho Công ty CP Toàn Hải Vân để thực hiện dự án Khu phức hợp Vịnh Đầm.

Thực hiện quy hoạch Vịnh Đầm, nạo vét, mở rộng rạch Cầu Sấu, xây dựng kho bãi vật liệu xây dựng, khu tiểu thủ công nghiệp và khu dịch vụ hậu cần cảng tại khu vực rạch Cầu Sấu (xã Dương Tơ).

Ngày 25/5/2008, Ban Bồi thường lập biên bản kiểm kê diện tích đất đai, cây trồng, vật kiến trúc đối với bà Trần Hoa Sen, thể hiện trên đất có một số loại cây…, việc kiểm kê không có mặt bà Sen.

Ngày 16/6/2010, UBND TP. Phú Quốc ban hành Quyết định số 1568/QĐ-UB bồi thường, hỗ trợ cho bà Sen số tiền 345.786.400 đồng và ra Thông báo số 465/TB-ĐBGT ngày 23/6/2010 cho bà Sen đến nhận tiền. Tuy nhiên, quyết định thông báo này chưa được triển khai, chưa giao đến bà Sen.

Bà Sen cho rằng, đất chưa có quyết định thu hồi, chưa bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng nhưng lại có quyết định bồi thường, hỗ trợ, quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty CP Toàn Hải Vân là không đúng pháp luật, nên đề nghị hủy các quyết định này.

Người bị khởi kiện cho rằng, phần đất này, ngày 15/10/1993, UBND huyện Phú Quốc ra Quyết định số 1986/QĐ-UB thu hồi 3.817m2 đất đối với ông Nguyễn Văn Sang do lấn chiếm đất Nhà nước quản lý, nên việc bồi thường, hỗ trợ, giao đất và cấp giấy CNQSDĐ là đúng pháp luật, nên đề nghị bác đơn khởi kiện của bà Sen.

Như vậy, cho thấy phần đất này có nguồn gốc sử dụng từ năm 1993 (được UBND xã xác minh nguồn gốc đất vào các năm 2008 và 2009), trước ngày 18/6/1998, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UBND giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc, nên thuộc trường hợp đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Khoản 1, Điều 45, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Trong khi, bà Sen là người sử dụng đất, không có quyết định thu hồi đất nhưng lại ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ cho bà Sen; quyết định giao đất và cấp giấy CNQSDĐ cho người khác, nên bà Sen khởi kiện các quyết định này là có căn cứ để xem xét.

Đối với Quyết định số 1986/QĐ-UB ngày 15/10/2003 của UBND huyện Phú Quốc thu hồi 3.817m2 đất đối với ông Nguyễn Văn Sang do lấn chiếm đất nhà nước quản lý (ông Sang có tổng diện tích đất là 12.121m2), nhưng thực tế ông Sang đã sử dụng đất này từ năm 1993, đất vẫn do người dân quản lý sử dụng, cơ quan ban hành quyết định không chứng minh được quyết định này đã triển khai cho ông Sang, Nhà nước không quản lý trên thực tế đất này, trong khi ông Sang vẫn chuyển nhượng cho bà Loan và sau đó bà Loan chuyển nhượng lại cho bà Sen là người trực tiếp quản lý sử dụng không biết quyết định này, bà Sen đã được đo đạc diện tích đất, kiểm kê cây trồng, vật kiến trúc, nên mặc nhiên quyết định này không liên quan trực tiếp đối với bà Sen.

anh-3-1661396499.png
Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa tuyên người dân “thắng kiện” chính quyền.

Đối với Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 16/6/2010 của UBND TP. Phú Quốc về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho bà Trần Hoa Sen trong khi chưa có quyết định thu hồi đất là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 42, Luật Đất đai 2003 và các Điều 55, 56, 57 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính Phủ, nên cần hủy các quyết định này.

Đối với Quyết định số 50/QĐ-BQLPTPQ ngày 26/5/2014 của Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc (nay là Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc) về việc giao đất cho Công ty CP Toàn Hải Vân (trong đó có 4.746,4m2 đất của bà Sen) trong khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, điều này thể hiện tại Báo cáo số 106/BC-TTPTQĐ ngày 04/6/2014 và Báo cáo số 59/BC-TTPTPQ ngày 13/5/20016 cũng như Biên bản giao đất thực địa số 86/BB-BQLPTPQ ngày 26/6/2015 nhưng lại quyết định giao đất là không đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 32 Luật Đất đai năm 2003.

Do quyết định giao đất không đúng trình tự, thủ tục dẫn đến việc cấp Giấy CNQSDĐ số CI 590233 ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh Kiên Giang cấp cho Công ty CP Toàn Hải Vân là không đúng với khoản 1, Điều 99, Luật Đất đai năm 2013 nên cần hủy một phần quyết định giao đất (đối với diện tích 4.746,4m2 đất của bà Sen) và hủy giấy chứng nhận QSDĐ liên quan đến phần đất này.

Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Sen và đề nghị đại diện Viện kiểm sát: Hủy Quyết định số 1568/QĐ-UBND ngày 16/6/2010 của UBND huyện Phú Quốc; Hủy một phần Quyết định số 50/QĐ-BQLPTPQ ngày 26/5/2014 của Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc (đối với phần diện tích 4.747m2 đất của bà Sen); Hủy Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CI 590233 do UBND tỉnh Kiên Giang cấp ngày 15/6/2017 cho Công ty CP Toàn Hải Vân.

Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa qua tuyên người dân “thắng kiện” UBND TP. Phú Quốc, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và UBND tỉnh được dự luận cả nước và người dân địa phương nhiệt liệt ủng hộ, hoan nghênh. Công lý sẽ tiếp tục được thực thi, một lần nữa khẳng định: người dân và chính quyền đều phải bình đẳng trước pháp luật.

Dự án biệt thự, khu du lịch nghỉ dưỡng có phải trong danh mục “vì lợi ích Quốc gia, công cộng?
Cuối tháng 6/2022, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã về làm việc tại tỉnh Kiên Giang về việc "thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo".
Đoàn giám sát đã đề nghị tỉnh Kiên Giang làm rõ lập luận thu hồi đất với lý do "phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Theo nhận định của Đoàn giám sát, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể tại thành phố Phú Quốc, nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm hơn 96%, trên địa bàn toàn tỉnh là trên 77%.
Điều đó cho thấy lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến đất đai ở Phú Quốc đang rất nóng, có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Trong việc thu hồi đất tại Phú Quốc, có tình trạng đất có tranh chấp, chưa xử lý xong; nhưng chính quyền đã ra quyết định thu hồi đất, vội vã cho doanh nghiệp dựng rào, thực hiện dự án…
Đoàn giám sát đã đề nghị UBND tỉnh nêu rõ quan điểm, lập luận trong việc thu hồi đất áp dụng theo Điều 62 - Luật Đất đai năm 2013, về "thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Công - Phó trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho biết: "Trong thời gian vừa qua chúng ta áp dụng việc này, thì "lợi ích quốc gia, công cộng" là thế nào? "Lợi ích quốc gia, công cộng" có phải là lợi ích để làm kinh doanh của các doanh nghiệp không? Nếu được kinh doanh thì rõ ràng họ phải thỏa thuận với người dân.
Đề nghị địa phương cần phải hướng dẫn, làm rõ trong báo cáo của mình, đánh giá về việc áp dụng (vấn đề này - PV) trong thực tế như thế nào. Từ đó, chúng ta mới tìm ra căn nguyên để giải quyết những khiếu nại, tố cáo trên địa bàn".
Ông Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng phát biểu: "Điều 62 không có lỗi, có lỗi là do cách chúng ta áp dụng và triển khai thực hiện. Nếu đọc toàn bộ nội dung Điều 62, thì những dự án chúng ta thu hồi (đất của dân – PV) có đúng hay không? Đề nghị cơ quan Thanh tra, HĐND tỉnh trả lời vấn đề này. Ví dụ, với các dự án biệt thự, khu du lịch nghỉ dưỡng có phải trong danh mục của Điều 62 không?"
Duy Lê