Khơi thông nguồn tài chính xanh ở Việt Nam

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện bộ này xây dựng các tiêu chí để ban hành danh mục xanh, từ đó làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư ngoại và doanh nghiệp trong nước.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, dự kiến sẽ cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30%, 70% còn lại từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.

Do đó, làm sao để huy động và hội tụ được các nguồn lực cho tăng trưởng xanh của Việt Nam là câu hỏi rất cần thiết lúc này. Đây cũng là chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Viêt Nam - Vietnam Connect mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, các chuyên gia cho rằng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư. Thực tế, trong khuôn khổ các hoạt động của COP26, các định chế tài chính đã ký cam kết rót nhiều tỷ USD cho các chương trình, dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam.

plant-growing-from-coins-outside-the-glass-jar-on-blurred-green-for-picture-id921527422-1574772684357786275383-1649739099.jpg
Ảnh minh họa

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cơ quan này cũng đang xây dựng các tiêu chí để ban hành danh mục xanh, từ đó làm cơ sở thu hút các nguồn lực cho đúng và trúng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư ở nhiều mặt.

"Cuối năm 2022 sẽ ban hành danh mục xanh. Danh mục xanh là danh mục cụ thể để cho doanh nghiệp biết rằng với từng danh mục theo NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định) từ năng lượng, hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp cần làm như thế nào để đạt được tiêu chí xanh. Việt Nam sẽ cố gắng làm sao để hài hoà các tiêu chí xanh của NDC, World Bank và các nhà tài trợ khác", ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó, Ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần tới 70% từ các nguồn lực khác, trong đó chủ yếu được xác định là khu vực tư nhân.

Liên quan vấn đề này, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất: Việt Nam phải cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau, tạo điều kiện đấu nối và hợp nhất giữa các hệ sinh thái xanh của ngành, địa phương và quốc gia.

Anh Vân (t/h)