Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, sau khi tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vaccine đủ 2 mũi cho công nhân chiếm 80%, các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn tỉnh bước đầu đi vào ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, hiện diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nông thủy sản của tỉnh. Một số doanh nghiệp có người nhiễm COVID-19 nên phải nghỉ gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thủy sản từ nuôi trồng thiếu hụt; doanh nghiệp còn gặp phải một số khó khăn như sản phẩm bán chậm, nợ đọng, khó thu hồi vốn; việc vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, sản phẩm bị hạn chế; tình trạng quá tải hàng hóa tại các bến cảng, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cao.
Ngoài ra, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh quy mô vừa và nhỏ, công nghệ chế biến còn thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng; chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn an toàn HACCP, ISO 22000 hiện còn cao đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong tỉnh; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp so với mặt bằng cả nước…
Chính vì lẽ đó, giải pháp để trợ giúp doanh nghiệp là cần phải cấp bách khôi phục lại chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản sau dịch bệnh COVID-19.
Ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, trước mắt, tỉnh sẽ tăng cường hướng dẫn, phổ biến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA); tận dụng các ưu đãi thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh số 248, Lệnh số 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
UBND tỉnh chủ động cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa các nước từ nguồn thông tin của bộ, ngành trung ương. Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, nhất là giai đoạn sắp tới Tết Nguyên đán, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu.
Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp; đồng thời có giải pháp tháo gỡ, không để doanh nghiệp đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, xuất khẩu hàng hóa.
Tỉnh sẽ chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước vừa ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA, UKVFTA); hỗ trợ tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp các thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông, thủy sản của một số thị trường trên thế giới.
Bên cạnh đó, tận dụng chính sách tài khóa của quốc gia để có phương án khoanh nợ đối với các doanh nghiệp nợ tín dụng và tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp tiềm năng xuất khẩu thực hiện, hoàn thiện hồ sơ thủ tục tham gia các sàn thương mại điện tử xuất khẩu như Alibaba, Amazon…; tham gia các hoạt động phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm tiềm năng của tỉnh tại thị trường các nước như Trung Quốc; các nước thuộc các Hiệp định thương mại tự do.
Để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, đáp ứng thị hiếu nhu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay; đồng thời lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến.
Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận-Ninh Thuận cho biết, công ty chuyên sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm nông sản là táo, nho tươi và sấy khô. Thời gian tới, công ty đang hướng đến xuất khẩu sản phẩm nho, táo sấy khô và hiện cũng đã có 2 doanh nghiệp ở Trung Quốc đang đặt vấn đề với công ty về xuất khẩu sản phẩm nông sản sấy khô.
Tuy nhiên, cái khó đối với công ty hiện nay là nguồn vốn để đầu tư nguyên liệu đầu vào hoặc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn để đáp ứng số lượng sản phẩm đặt theo nhu cầu. Do đó, công ty cũng rất mong tỉnh có giải pháp để tạo cầu nối giữa công ty với các ngân hàng để có nguồn vốn đầu tư bài bản.
Ông Nguyễn Đình Quang cho biết thêm, đối với những sản phẩm xuất khẩu thì mặt hàng sấy khô khác hẳn mặt hàng tươi sống, đặc biệt là chính sách về thuế. Về vấn đề này thì doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng có chung suy nghĩ và rất đắn đo, bởi khó khăn do tác động của dịch bệnh, thiếu nguồn lực đầu tư.
Do vậy, tỉnh cũng cần kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương; đồng thời có cơ chế, chính sách thông thoáng để giảm đỡ phần nào về thuế đối với mặt hàng sấy khô xuất khẩn, nhất là trong thời điểm này để doanh nghiệp xoay sở từ việc mua nguyên liệu, chế biến và có giá thành hợp lý để thu hút thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thời gian qua, mặc dù khó khăn, thách thức do dịch COVID -19 tác động kéo dài. Tuy nhiên, tín hiệu về xuất khẩu của tỉnh Ninh Thuận vẫn có nhiều "gam sáng". Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước thực hiện đạt 120 triệu USD; trong đó, thủy sản đạt 66 triệu USD; nhân điều đạt 31 triệu USD; hàng hóa khác (hàng dệt và may mặc, trái cây sấy…) 23 triệu USD.
Song song đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ với sản phẩm xuất khẩu là tôm đônt lạnh, khăn bông, may mặc… vẫn duy trì ổn định với tổng giá trị kim ngạch ước đạt 45 triệu USD; thị trường Trung Quốc với sản phẩm hạt điều nhân, kim ngạch ước đạt 21 triệu USD; thị trường Nhật Bản với sản phẩm khăn bông và tôm đông lạnh, kim ngạch ước đạt 22 triệu USD.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 12 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản. Cụ thể về chế biến thủy sản xuất khẩu có 4 doanh nghiệp là Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cà Ná, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi và Công ty TNHH Tân Quang, với sản phẩm như chả cá xay, tôm chiên bột và chế biến tôm thương phẩm, thu mua sơ chế cá khô các loại…, được sản xuất và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, IFS, HALA, sản lượng hàng xuất khẩu hằng năm đạt hơn 11.000 tấn, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Đối với chế biến nông sản, Ninh Thuận có 8 cơ sở, doanh nghiệp có quy mô hoạt động xuất khẩu, được áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn ISO 22000, HACCP. Hàng năm, lượng sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 90.000 tấn./.