Việc ký kết biên bản nghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các đơn vị trên đánh dấu cam kết hợp tác lâu dài giữa Tập đoàn Alibaba và cộng đồng doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới và sáng tạo tại Việt Nam. Việc ký kết này cũng đồng thời "là lời hẹn" mang lại những nguồn lực gia tăng lợi thế trong các hoạt động tiếp cận thị trường, nguồn vốn đầu tư và khả năng kết nối với các doanh nghiệp lớn nhất và nhiều tiềm lực nhất tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các startup nói riêng.
Hội thảo “Khởi nghiệp cùng Quỹ Doanh nhân Alibaba 2023” có sự tham dự của các khách mời: Bà Cindy Chow - Giám đốc điều hành Quỹ Doanh nhân Alibaba; ông Trần Duy Quang - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Ngân hàng HSBC Việt Nam; ông Teddy Lui - Đại diện chương trình Jumpstater; bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT & CEO Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP, Nhà sáng lập, cố vấn chiến lược BSSC (Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA); bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA); bà Hà Thanh An - Đồng sáng lập, Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp IBP; ông Nguyễn Đình Văn - Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SmartR.
Phát biểu về ý nghĩa việc hợp tác này, bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT & CEO IBP, Nhà sáng lập, cố vấn chiến lược BSSC, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA) cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Startup Việt Nam nói riêng đang đứng trước thời điểm đòi hỏi sự thay đổi, sự đổi mới nhằm tối ưu các nguồn lực phát triển, gia tăng lợi thế cạnh tranh trong điều kiện có nhiều thay đổi nhanh chóng trong thế giới kinh doanh và công nghệ như hiện nay. Để đổi mới, các doanh nghiệp ngoài việc hiểu về chính mình rất cần được tiếp cận, chia sẻ và học hỏi từ những doanh nghiệp khác trong và ngoài nước để tìm ra cách thức thay đổi cho phù hợp”.
“Do vậy, với mong muốn cung cấp các nguồn lực hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và startup Việt nói riêng trong việc gia tăng sức mạnh cạnh tranh bằng đổi mới sáng tạo, IBP và BSSC xem việc hợp tác với Alibaba là một trong những khởi đầu quan trọng. Cùng với MOU này, IBP và BSSC sẽ đẩy mạnh các hoạt động tiếp cận thị trường, công nghệ, tài chính, đầu tư cho các doanh nghiệp và startup Việt Nam. Đồng thời, sẽ giúp Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đi gần hơn đến thị trường Hồng Kông, Trung Quốc do Tập đoàn Alibaba có hệ sinh thái lớn có thể giúp startup đi ra quốc tế, mở rộng thị trường mới, tìm kiếm và tối ưu nguồn lực giúp cho các doanh nghiệp phát triển”, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết thêm.
Năm 2023 - Thời điểm cần tối ưu nguồn lực
Xoay quanh từ khóa “tối ưu”, trong năm 2023, "Chuỗi hội thảo đổi mới" tập trung khai thác 3 khía cạnh về công nghệ, tài chính và vận hành, với mục đích chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với doanh nghiệp, thông qua các câu chuyện thành công, cách tư duy mới, cách làm mới, cách đổi mới để “trường tồn” từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trong góc nhìn tài chính đầu tư, về phía Alibaba, đây là lần đầu tiên Tập đoàn Alibaba tổ chức sự kiện chính thức tại Việt Nam để giới thiệu đến startup Việt Nam cách thức tiếp cận nguồn Quỹ doanh nhân Alibaba. Quỹ đầu tư mang tên Alibaba Entrepreneurs Fund (AEF) được thành lập năm 2015 với quy mô 130 triệu USD nhằm đầu tư và hỗ trợ các sáng kiến và dự án công nghệ. Sau hơn 8 năm hoạt động với trên 80 thương vụ đầu tư, Tập đoàn Alibaba đang thành lập Quỹ AEF thứ hai với quy mô 260 triệu USD. Việc khởi động chương trình Jumpstater 2023 tại Việt Nam là hành động thể hiện rõ thiện chí hỗ trợ lâu dài cho Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, và chương trình là “cửa ngõ” giúp startup Việt có thể tiếp cận trực diện nguồn quỹ AEF.
Bà Cindy Chow - Giám đốc điều hành, Quỹ Doanh nhân Alibaba chia sẻ: “Bên cạnh giải thưởng với tổng giá trị 1 triệu USD từ chương trình Jumpstater 2023 và cơ hội nhận nguồn vốn đầu tư của Quỹ AEF lên đến 5 triệu USD, Tập đoàn Alibaba mong muốn kết nối startup Việt vào hệ sinh thái toàn cầu của Alibaba ở nhiều lĩnh vực như Ecommerce, FinTech, Cloud, Logistics. AEF được thành lập bởi Jack Ma, nhà sáng lập của Tập đoàn Alibaba, với mục tiêu hỗ trợ các startup ở Hồng Kông và Khu vực Vịnh lớn (GBA - Greater Bay Area)”.
Cùng với đó, bà Cindy Chow cũng trả lời 2 câu hỏi mà rất nhiều startup Việt quan tâm đó là:
Tại sao startup Việt nên tham gia Jumpstater? Thị trường Hồng Kông thiếu startup và các chương trình hỗ trợ cho startup. Đó là lý do Jumpstater tổ chức những sự kiện lớn giúp kết nối các thành tố trong hệ sinh thái: Startup, nhà đầu tư, tập đoàn và chính phủ với nhau. Từ đó, AEF xem xét đầu tư vào các công ty chiến thắng cuộc thi. Và ngay cả khi startup chưa chiến thắng, bà Cindy cho rằng việc tham gia Jumpstater vẫn mang lại cho startup rất nhiều giá trị khi kết nối được với các nhà đầu tư, các startup alumni của chương trình.
Tại sao Jumpstater chọn Việt Nam? Jumpstater là cuộc thi quốc tế do đó chương trình tìm kiếm startup trên toàn thế giới. Và tại sao Jumpstater đến Việt Nam trong khi quỹ AEF chỉ đầu tư cho các startup ở thị trường Hồng Kông và GBA? Bà Cindy cho rằng doanh nhân cần có suy nghĩ lớn, tầm nhìn xa. Việc phát triển công ty vượt ra khỏi thị trường Việt Nam là chiến lược nên nghĩ tới. Hồng Kông và GBA được xem là thị trường thống nhất có dân số 80 triệu người. Việc tham gia vào chương trình Jumpstater sẽ giúp startup Việt Nam có cơ hội tìm hiểu thị trường GBA và tìm cách mở rộng thị trường, là một cơ hội kinh doanh nên nắm bắt.
Đại diện chương trình Jumpstater, ông Teddy Lui cho biết: “Tất cả các công ty khởi nghiệp dưới 5 năm và có định giá dưới 20 triệu USD đều có thể đăng ký chương trình. Chương trình chú trọng đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất, tiếp theo là các yếu tố về tiềm năng thị trường, mô hình kinh doanh, thế mạnh của đội ngũ và yếu tố phát triển bền vững theo tiêu chí của UNDP”.
Ông Trần Duy Quang - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết: “Theo số liệu thống kê, các startup Việt Nam đang huy động vốn 1,5 tỷ USD mỗi năm, là tiền đề để đánh giá Việt Nam là một trong những nước có mức độ tăng trưởng startup cao. HSBC nhận định các ngành nghề đang phát triển tốt: Thương mại điện tử, vận chuyển thực phẩm, truyền thông trực tuyến, dịch vụ tài chính, du lịch trực tuyến. Tiếp sau đó, các ngành nghề dự đoán sẽ đón đầu xu hướng tương lai: Healthtech, Software, SaaS, Web3, EdTech. BSSC đang góp phần cung cấp cầu nối quan trọng cho các doanh nghiệp và startup tạo thêm sức bật trong việc huy động các nguồn lực tài chính kịp thời”.
Doanh nghiệp và Startup tập trung vào thị trường và phương thức đổi mới
Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam có mối quan hệ song phương trong nhiều năm, có rất nhiều cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hồng Kông . Trong nhiều năm liền Việt Nam luôn nằm trong Top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông. Năm 2021, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông trong Asean.
Hồng Kông hiện có trên 2.000 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 28,6 tỷ USD, đứng thứ 5/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, sự phát triển ổn định của thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) thu hút nhiều nguồn lực quốc tế, nhiều bài học đa dạng để doanh nghiệp và startup Việt Nam có thể học hỏi. Thông qua sự kết nối nguồn lực quốc tế từ Tập đoàn Alibaba và nguồn lực địa phương từ BSSC và IBP, các bên kỳ vọng giúp tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt và cơ hội mở rộng ra thị trường quốc tế.
Các diễn giả trong phiên thảo luận “Truy cập Alibaba, Hồng Kông và hơn thế nữa” đều nhận định rằng: “Có 3 từ khóa khi nghĩ về thị trường Hồng Kông đó là thân thiện, chuyên nghiệp và năng động. Hồng Kông là cửa ngõ để các công ty vào thị trường Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới. Hồng Kông được xem là một thành phố có yếu tố quốc tế rất cao, có độ cởi mở cả về kinh tế lẫn văn hóa. Đây được xem là một thị trường năng động và cởi mở cho các doanh nghiệp trẻ khi văn hóa kinh doanh của Hồng Kông là luôn tìm kiếm và sẵn sàng cho các cơ hội kinh doanh mới. Sự chuyên nghiệp của thị trường này được thể hiện qua hệ thống luật pháp, hệ thống kế toán của Hồng Kông được đánh giá là phát triển trên thế giới. Sự năng động của thị trường Hồng Kông được thể hiện qua nguồn vốn đầu tư đa dạng từ Trung Quốc, thung lũng Silicon và từ nhiều nước ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản”.
Hội thảo “Khởi động với Quỹ Doanh nhân Alibaba 2023” là khởi đầu cho chuỗi hội thảo đổi mới diễn ra trong năm 2023. Chương trình dự kiến tổ chức định kỳ và sẽ mang đến câu chuyện đổi mới và các nguồn lực từ các Tập đoàn lớn đến với doanh nghiệp Việt Nam./.