Khơi dậy tiềm năng, lợi thế sản phẩm OCOP Cao Bằng

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Cao Bằng từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dung trong và ngoài nước tin dùng.
cao-bang-dnktx-1725520054.jpg
Chương trình OCOP Cao Bằng quy hoạch vùng nguyên liệu đặc sản, khuyến khích các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm.

Thêm 43 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Chương trình OCOP được triển khai là cơ hội để các địa phương trong tỉnh quy hoạch lại vùng sản xuất, xác định các sản phẩm nông sản, làng nghề chủ lực và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 

Mới đây, thành phố Cao Bằng có 43 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 40 sản phẩm 3 sao. Tập trung chính vào các nhóm như: nông sản tươi sống và nông sản chế biến; hoa quả tươi; đồ uống. Các sản phẩm chính, gồm: lạp sườn, thịt xông khói, dâu tây VietGAP, nấm hương, dưa lưới Nam Phong, trứng vịt thả suối Chu Trinh, các loại bún, phở khô...

Để thực hiện hiệu quả chương trình, Thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các đại phương khảo sát, hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới và nâng cấp các sản phẩm hiện có; hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Thực hiện hỗ trợ chuẩn hóa hồ sơ cho 16 sản phẩm của 10 chủ thể và đánh giá lại 10 sản phẩm của 4 chủ thể được công nhận. Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2024, có thêm 16 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao.

Đồng thời, huyện Hòa An có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh gồm: Rượu ngô Đại Hoàng Cao Bằng, rượu ngô Đại Hoàng Long Phụng, rượu ngô Đại Hoàng Tiên Tửu; 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao gồm: Trà xanh Tài Hồ Sìn, mật ong rừng tự nhiên xã Hoàng Tung, rượu gạo nhật Cao Bằng, gạo nhật Cao Bằng, cơm cháy Huy Hoàng, bún trắng khô cô Luyến, bún cẩm khô cô Luyến, miến dong Cường Yên, rượu ngô Bình Long, thạch đen Su Hào, mật ong hoa tự nhiên Bình Dương.

Năm 2024, huyện phấn đấu xây dựng thêm 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên gồm: Rượu mơ Hòa An, mật ong thị trấn Nước Hai; mật ong La Dũng xã Bạch Đằng; miến dong Tuân Yến, miến dong Bảo An, xã Nguyễn Huệ; gạo nếp pì pất Minh Khai, xã Đức Long; mật ong Bình Phương, xã Hồng Việt.

cao-bang-dnktx1-1725520039.jpg
Sản phẩm miến dong Cao Bằng đã có mặt ở nhiều cửa hàng tiện ích và siêu thị trên cả nước.

Chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu đặc sản, khuyến khích các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP vùng, miền, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và doanh thu. 

Chương trình tạo việc làm cho lao động nông thôn; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bước tiến về chất lượng, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hầu hết có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đồng thời, các sản phẩm OCOP tiếp tục đổi mới và phát triển. Đơn cử cơ sở sản xuất miến dong của gia đình bà Khoảng Khánh Hoa tại thị trấn Nguyên Bình đầu tư dây chuyền sản xuất miến tự động từ khâu đánh bột đến ép miến và cán sợi, đặc biệt là cải tiến tấm phơi miến truyền thống bằng lưới để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các cơ sở sản xuất khác cũng chủ động đầu tư hệ thống máy móc, chủ động nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn nhân lực duy trì sản xuất sản phẩm. Nỗ lực tìm kiếm thị trường, đổi mới phương thức sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm và tuân thủ các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến./.

Trần Minh