Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Thanh Hoá đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Diện tích rừng và độ che phủ rừng liên tục tăng, việc sắp xếp lại ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn…
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm. Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch... chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng,... làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, suy giảm chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên.
Đồi đã xanh nhưng khe vẫn cạn
Với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với chính sách phủ xanh đất trống đồi trọc, hàng nghìn héc ta rừng trồng, rừng sản xuất đã được đông đảo người dân ở tỉnh Thanh Hóa tích cực hưởng ứng, nên chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những quả đồi trọc đã dần lấy lại màu xanh vốn có, nhưng hệ sinh thái dưới rừng thì có lẽ chẳng bao giờ lấy lại được.
Tại một số địa phương trong tỉnh Thanh Hoá, những khe suối cạnh các đồi keo hàng trăm héc ta đến nay vẫn cạn trơ đáy, gây khó khăn cho việc sản xuất của bà con quanh khu vực.
Ông Hà Văn Khương, (70 tuổi) trú tại thôn Tân Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cho biết: “Trước đây, khi rừng tự nhiên còn, nước ở các con khe, suối chẳng bao giờ cạn nên chúng tôi trồng lúa rất thuận tiện. Nhưng từ khi rừng tự nhiên bị thay thế bằng cây keo thì nguồn nước đã không còn, nên chúng tôi chỉ trồng lúa được mỗi một vụ trong năm”.
Rừng tự nhiên bị mất, dẫn đến các sinh vật quý hiếm như một số cây dược liệu quý như Sa nhân, Diệp hạ châu, sâm ngọc linh… và một số loại nấm có giá trị kinh tế cao như linh chi, nấm lim xanh cũng mất theo.
Đánh giá về sự đa dạng sinh thái giữa rừng, ông Lê Việt Ba, nguyên cán bộ Viện nghiên cứu sinh thái môi trường rừng khẳng định, rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống, lũ quét. Nếu lượng mưa quá lớn, thì lượng chảy tràn cũng chỉ 20 - 30%. Trong trường hợp không có rừng thì 90% lượng nước chảy tràn trên mặt.
Nếu một cây gỗ rừng trồng thì có đến 70% là gỗ, trong khi cây ở rừng tự nhiên chỉ có 30% là gỗ, còn lại là vỏ, cành, nhánh nên có tác dụng giữ nước tốt. Do vậy, hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải là rừng tự nhiên. Thà giữ 1 ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 10 ha rừng trồng vì, nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ còn khoảng 5% thấm vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…
Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1 - 2 giờ với lượng mưa khoảng 100 mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây ra lũ.
Tầm quan trọng của rừng tự nhiên là vậy, nhưng rất ít người hiểu được, chỉ vì cái lợi trước mắt mà hàng năm họ lại lấn thêm vài mét đất canh tác. Không chỉ có vậy, hàng loạt các công trình, dự án được triển khai đã phải chặt hạ hàng trăm héc ta rừng. Từ đó đã vô tình thu nhỏ lá phổi xanh của nhân loại để sự sống của con người chịu sự tác động của thiên tai.
Xâm lấn rừng, khó phát hiện và xử lý
Chia sẻ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Thường Xuân cho hay, Thường Xuân là một trong những địa phương trọng điểm về an ninh rừng, do nhu cầu về đất đai canh tác đối với các hộ dân sinh sống gần rừng dẫn đến tình trạng xâm lấn, vén rừng tại một số xã trên địa đã xảy ra, nhưng ở mức độ nhỏ lẻ.
Trước nguy cơ trên, đơn vị đã tham mưu cho huyện có những chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn có xảy ra một số vụ vi phạm về phá rừng, xâm lấn đất rừng để trồng keo. Đặc biệt, ngày 20/12/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân kiểm tra phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hai đối tượng Vũ Hoàng Dương (SN 1979) và vợ là Lương Thị Đức (SN 1983) trú tại thôn Na Nghịu, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá về tội hủy hoại rừng.
Ngày 21/8/2023 , TAND huyện Thường Xuân đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với 2 vợ chồng Vũ Văn Dương và Lương Thị Đức tổng hai mức án 78 tháng tù, yêu cầu 2 vợ chồng phải liên đới bồi thường số tiền là 119.152.400 đồng. Từ vụ án trên cũng đã tạo được tính răn đe cao trong quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm theo quy định. Đặc biệt sau khi xử lý, đơn vị đã cho các hộ dân vi phạm lập bản cam kết không tái phạm, nếu như các hộ tái phạm, tùy theo mức độ, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền thu lại rừng giao cho các hộ khác quản lý.
Thông qua những lần xử lý, người dân cũng dần nhận thức ra được giá trị của rừng cũng như tính chất nguy hiểm khi vi phạm pháp luật về rừng. Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi sinh sống và sản xuất gần rừng…
Ngoài ra, kiểm lâm viên công tác tại địa bàn cũng thường xuyên tham mưu cho cấp ủy chính quyền thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ rừng. Từ những giải pháp nêu trên cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương thì an ninh rừng trên địa bàn càng ngày càng đi vào ổn định hơn.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Vì trên địa bàn hiện nay có hơn 93 nghìn héc ta rừng nằm ở khu vực trọng điểm. Trong khi đó tại hạt kiểm lâm theo sự phân công chỉ có 25 đồng chí, nên việc tuần tra, kiểm tra gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp với kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng một số hộ dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý để lấn chiếm, vi phạm rừng”. Ông Bính
Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, về thực trạng rừng tại Thanh Hóa, năm 2015 tổng diện tích rừng tự nhiên là 395.164,4 ha, đến năm 2022 diện tích rừng tự nhiên là 393.361,33 ha. Như vậy cho thấy rừng tự nhiên theo thống kê giảm rất ít so với số vụ vi phạm về chặt phá, xâm lấn rừng.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa, cán bộ phòng Quản lý và bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa cho biết: “Theo Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp và Nghị định 156 Quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng thì những vụ xâm lấn dưới 0,3ha trong một lô rừng sẽ không được cập nhật vào trong tổng diện tích. Điều này cũng rất khó khăn trong việc đưa ra con số thống kê chính xác. Ngoài ra, cũng theo thông tư, từ năm 2017, rừng ở trên núi đá sẽ được đưa vào rừng tự nhiên nên diện tích rừng tăng lên. Hiện nay rừng trên núi đá ở Thanh Hóa còn rất nhiều chưa cập nhật hết được”.
Cũng theo số liệu của Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa, trong năm 2022, toàn tỉnh có 64 vụ khai thác, xâm lấn rừng, giảm 15% so với năm 2021. Như vậy cho thấy số vụ vi phạm rừng ở Thanh Hóa vẫn tái diễn. Trong khi đó chưa kể những vụ có đất rừng tự nhiên giáp ranh đất canh tác rất khó phát hiện và xử lý.
Việc xâm lấn diễn ra theo từng đợt khai thác, thu hoạch rừng sản xuất nên khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt những hộ dân trồng keo sinh gần rừng tự nhiên, lợi dụng tính năng sinh trưởng nhanh của cây keo, một số hộ đã tự ý trồng vào trong rừng tự nhiên. Sau khi thu hoạch cây nghiễm nhiên lấn được vài chục mét đất.
Theo ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân, do một số một số lô rừng giáp ranh với rừng sản xuất của bà con, nên ranh giới rất khó để xác định. Lợi dụng vào việc đấy, một số hộ dân trước khi thu hoạch cây đã tự ý chặt phát thêm rừng tự nhiên để lấn đất nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, một số hộ còn tự ý trồng cây vào trong đó đợi khi thu hoạch sẽ dễ dàng trong việc lấn chiếm. Trên địa bàn đa số người dân trồng cây keo, từ 4 đến 5 năm có thể thu hoạch nên việc lấn đất rất khó phát hiện.
Để giữ lại rừng tự nhiên, ngoài việc chấp hành nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ đạo của Thủ tướng về đóng cửa rừng tự nhiên. Mỗi chúng ta cần phải chung tay vào cuộc để giữ lại sắc xanh cho mỗi cánh rừng, không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi đi môi trường sống của nhân loại.