Trồng lúa giảm phát thải, cơ hội cho nông dân Thanh Hóa thu ngoại tệ từ tín chỉ carbon

Trồng lúa giờ đây không chỉ đơn thuần để thu hoạch thóc. Ở nhiều địa phương, nông dân đang được hưởng lợi từ việc canh tác lúa theo hướng giảm phát thải, nhờ đó thu được thêm nguồn thu từ tín chỉ carbon.
trong-lua-1-1748961321.jpeg
Giờ đây nông dân trồng lúa còn được hưởng nguồn lợi kép từ tín chỉ carbon

Thay vì canh tác theo phương pháp truyền thống, người dân chuyển sang mô hình sản xuất sạch, tiết kiệm nước, giảm lượng phân bón và hạn chế đốt rơm rạ. Những thay đổi này không chỉ giảm khí thải nhà kính mà còn giúp họ tiếp cận thị trường tín chỉ carbon – một lĩnh vực còn khá mới mẻ với nông nghiệp Việt Nam.

Tín chỉ carbon được xem là “món lợi kép”. Vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo thêm nguồn thu nhập. Một số hợp tác xã và doanh nghiệp đã bắt đầu kết nối nông dân với các tổ chức thu mua tín chỉ, từng bước hình thành chuỗi giá trị xanh cho ngành lúa gạo.

trong-lua-1-1748961403.png
Các chuyên gia tham quan ruộng đối chứng tại huyện Thọ Xuân (ảnh Hải Đăng)

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu được tổ chức tốt và có cơ chế rõ ràng, mô hình này sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, đưa nông nghiệp Việt Nam tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quốc tế về xanh hóa sản xuất.

Tại Thanh Hóa, nông dân đang chuyển mình với mô hình trồng lúa giảm phát thải, mở ra cơ hội thu thêm từ tín chỉ carbon. Vụ mùa năm 2024, huyện Yên Định triển khai thí điểm dự án “Tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa” trên 90,4 ha tại xã Yên Phong. Kết quả cho thấy năng suất tăng 7,23%, tiết kiệm 3–4 lần tưới nước và giảm phát thải gần 5 tấn CO₂/ha, tương đương 5 tín chỉ carbon.

Thành công bước đầu này thúc đẩy huyện mở rộng mô hình lên 1.200 ha tại 10 xã trong vụ xuân 2025. Để đạt được kết quả đó, nông dân được tập huấn kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón hợp lý và quản lý sâu bệnh hiệu quả. Ngoài ra, hệ thống đo đạc phát thải khí nhà kính bằng trí tuệ nhân tạo cũng được lắp đặt tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa nhằm thu thập dữ liệu phục vụ việc cấp tín chỉ carbon.

trong-lua-2-1748961491.jpeg
Thanh Hóa đã ký kết hợp tác với Công ty Faegre (Nhật Bản) về phát triển tín chỉ Carbon lúa (ảnh Lê Hợi)

Với hơn 150.000 ha lúa thâm canh, Thanh Hóa có tiềm năng lớn trong việc sản xuất lúa giảm phát thải và tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đây không chỉ là cơ hội tăng thu nhập cho nông dân mà còn góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể kể đến những bước tiến đáng kể trong hợp tác quốc tế tại địa phương này. Tỉnh Thanh Hóa đã ký kết với Công ty TNHH FAEGER Nhật Bản để triển khai Dự án "Giảm phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa". Thỏa thuận được ký vào tháng 2/2025, với mục tiêu mở rộng diện tích lúa giảm phát thải lên 50.000 ha vào năm 2030.

Ngoài ra, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa cũng đang hợp tác với Công ty Feager Việt Nam để mở rộng quy mô thí nghiệm sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính. Dự kiến trong vụ mùa năm 2025, diện tích thí nghiệm sẽ được mở rộng lên 20 ha.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu được tổ chức tốt và có cơ chế rõ ràng, mô hình sản xuất lúa giảm phát thải sẽ mở ra hướng phát triển bền vững, đưa nông nghiệp Việt Nam tiến gần hơn đến tiêu chuẩn quốc tế về xanh hóa sản xuất.

Hà Khải