Trồng rau ứng dụng công nghệ cao thu nửa tỷ mỗi năm
Để phát huy thế mạnh nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thay đổi tư duy trong canh tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đồng thời, địa phương chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, bà Ka Hằng là một trong những nông dân ở thôn Đarahoa (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) vẫn đạt mức thu nhập cao hơn năm ngoái. Bà cho biết, thị trường rau hoa trong năm 2023 có sức tiêu thụ yếu, giá cả không ổn định nhưng cà phê lại rất được giá. Thêm vào đó, cả 3 sào rau, hoa và 2 ha cà phê đều nâng cao được cả năng suất và chất lượng nên gia đình đã đạt doanh thu gần 500 triệu đồng.
“Hầu như bà con đã biết học hỏi và áp dụng KHKT vào sản xuất. Bà con đã có nhiều nguồn thu từ cây cà phê và hoa màu. Từ đó một số hộ dân đã xây nhà mới, mua thêm máy móc để phục vụ sản xuất. Bà con cũng đã hiến đất làm đường bê tông, đường nhựa, nhờ đó bộ mặt nông thôn mới ngày càng phát triển và hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong buôn chỉ còn 7 hộ nghèo, cận nghèo 6 hộ, so với năm 2022 thì giảm rõ rệt” - bà Ka Hằng chia sẻ.
Tương tự, từ chỗ thay đổi tư duy canh tác, mạnh mẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, cộng với ý thức tự lực vươn lên của người dân, người dân tộc thiểu số K’ho ở Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đã phát triển đi lên rất nhiều so với trước. Theo ông K’Bát, ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, chính bởi kịp thời chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang trồng dâu nuôi tằm và nhiều loại cây ăn quả mà kinh tế của gia đình mình đã có sự cải thiện rõ rệt.
Ngoài trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông và người dân trong vùng còn trồng xen canh bơ, sầu riêng, chuối laba nên tháng nào cũng có thu nhập. Đời sống kinh tế của buôn làng cũng theo đó không ngừng được phát triển đi lên.
“Trước đây bà con sản xuất rất khó khăn. Còn bây giờ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về làm cà phê, trồng dâu nuôi tằm đường xá thuận lợi, hàng hóa được tiêu thụ nhiều do đó đời sống của bà con tại địa phương đã khá lên nhiều so trước. Hiện bà con phấn khởi thi đua làm ăn, đã biết học hỏi khoa học kỹ thuật từ các địa phương khác, có người đã mạnh dạn ghép cây cà phê, trồng thêm rau màu, trồng chanh dây...từ đó mặt bằng kinh tế chung của bà con khá hơn rất nhiều so với trước” - ông K’Bát nói.
Liên kết sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất
Không chỉ tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều vùng dân tộc thiểu số K’ho của tỉnh Lâm Đồng còn hình thành được nhiều mô hình sản xuất và bao tiêu sản phẩm, không chỉ giúp ổn định sản xuất theo hướng bền vững mà còn đảm bảo được nguồn thu nhập. Trong đó, có nhiều mô hình sản xuất đạt doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, cá biệt có mô hình trồng sầu riêng đạt 2 tỷ đồng/năm.
Là xã có trên 42% dân cư là người dân tộc thiểu số, 2 năm qua, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng xã Phú Hội (huyện Đức Trọng) vẫn vươn lên hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Làm nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất nông sản theo đơn đặt hàng, kinh tế của người dân ngày càng khấm khá. Bà con nơi đây đón xuân trong bầu không khí vui tươi và ấm áp.
Ông Kră Jăn Ha Sung, ở thôn R’Chai (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) vui mừng cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi, giá cả và đầu ra ổn định nên vụ chanh dây vừa qua giúp gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng. Cộng với nguồn thu nhập từ 2 ha cà phê, 4 sào rau màu các loại trồng xen theo hướng đa canh, gia đình không chỉ nhanh chóng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng Covid-19, mà còn tích lũy được một khoản tiền kha khá để mở rộng quy mô sản xuất.
Theo ông Kră Jăn Ha Sung, kết quả này là nhờ vào việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, HTX tại địa phương. Kinh tế ổn định, thu nhập tăng cao nên tết này gia đình tổ chức vui xuân, đón chào năm mới đầy đủ và no ấm cùng buôn làng.
Mô hình sản xuất rau, hoa, củ, quả theo đơn đặt hàng, tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất đang lan tỏa trong cộng đồng người dân tộc thiểu số K’Ho ở Phú Hội. Hiện, xã đã có gần 900 hộ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, HTX; trong đó, có gần 300 hộ người dân tộc thiểu số.
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội, nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của xã đã đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã số hộ nghèo giảm hiện chỉ còn chưa đầy 1%. Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, cấp ủy và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, sản lượng và giá trị hàng hóa nông sản. Trọng tâm là tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế tập thể, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số.
Phú Hội hiện có 6.700 ha sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 3.680 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là điều kiện quan trọng để xã tiếp tục mở rộng thêm nhiều mô hình liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí đất sản xuất, tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế hộ gia đình. Chúng tôi làm cầu nối trung gian để người dân tiếp xúc, gặp gỡ với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX để tìm hiểu, học hỏi từ các mô hình, các phương thức sản xuất gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó có hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích, tăng nguồn thu nhập ngày càng cao" ông Trung cho biết thêm./.