Khánh Hòa: Dự kiến 20.000 khách tham gia Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần 2

Ngày 26/4/2022, Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn ban hành Kế hoạch số 1237/KH-UBND, về tổ chức Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ 2 năm 2022. Theo đó Lễ hội diễn ra trong thời gian 04 ngày, từ 04/8 - 07/8/2022 tại Quảng trường 20/11, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn.

Trong khuôn viên Lễ hội được bố trí 50 gian hàng để trưng bày các loại trái cây có giá trị kinh tế như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mít tố nữ, mía tím... các loại nông sản đặc trưng ở huyện và các mặt hàng có giá trị kinh tế khác của các huyện bạn tham gia. Các chuỗi sự kiện hoạt động diễn ra trong thời gian 04 ngày của lễ hội từ 4 đến 7/8/2022, dự kiến thu hút 20.000 lượt khách.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch huyện Khánh Sơn, Trưởng ban tổ chức Lễ hội cho biết vì năm 2020 và 2021 do dịch bệnh nên Lễ hội trái cây tạm ngưng, năm nay Ban tổ chức sẽ đảm bảo chất lượng tổ chức, bảo đảm đủ nơi ăn, nghỉ cho du khách trong điều kiện tốt nhất.

9f988f278c9c54b7942d495ea8bc260f-1658478419.jpg
Trái cây Khánh Sơn.

Huyện Khánh Sơn có vị trí nằm về phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Cam Ranh 40km, cách thành phố Nha Trang 100km, có dân số trên 26.000 người. Toàn huyện có 21 dân tộc anh em sinh sống, chiếm đại đa số là đồng bào Raglai trên 73%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 25%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác như: Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm... Khánh Sơn nằm ở độ cao trung bình từ 400 - 800m so với mặt nước biển, nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên có khí hậu đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, khí hậu ôn hòa, có thổ nhưỡng phù hợp hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

098f99005061dc7ecbbd6893f024a1f9-1658478419.jpg
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch huyện Khánh Sơn áo xanh giới thiệu sầu riêng.

Bên cạnh đó, Khánh Sơn còn được biết đến là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, có một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của người đồng bào Raglai. Để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của huyện, giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiếp cận thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực và sản phẩm du lịch của huyện Khánh Sơn, góp phần thực hiện định hướng phát triển Kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn thành đô thị sinh thái núi rừng, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững.